Thứ sáu, 29/03/2024 13:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/03/2022 12:00 (GMT+7)

Hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Theo dõi KTMT trên

An ninh nguồn nước là một trong những nội dung trọng tâm, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước. Do đó, tăng cường thực thi, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước là vấn đề được chú trọng hiện nay.

Nghiên cứu, rà soát pháp luật về bảo vệ nguồn nước

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) vừa ban hành Quyết định về Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước năm 2022.

Theo đó, Kế hoạch gồm 2 nội dung chính chính: Triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo phạm vi được phân công.

Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, nội dung triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với các đơn vị trực thuộc Cục; rà soát, sắp xếp cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại đơn vị và triển khai theo dõi việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời.

Về theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo phạm vi được phân công sẽ tập trung vào 2 nhóm nhiệm vụ là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước: Nghiên cứu, rà soát, tổng hợp hệ thống văn bản về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tham mưu trình Bộ gửi công văn đôn đốc các địa phương thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Ảnh 1
An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững của đất nước. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt: Theo dõi, rà soát, tổng hợp hệ thống văn bản về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổng hợp các văn bản về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các địa phương; Đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Đẩy mạnh hoàn thiện chính sách quản lý hiệu quả nguồn nước

An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia. Ngay trong nội hàm mục tiêu chung của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ là đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống, bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng.

Trong tháng 2, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện dự thảo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia (lần đầu) và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục là xây dựng hoàn thiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022. Cục đẩy mạnh tăng cường hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Đánh giá về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nếu xét về tổng lượng nước thì Việt Nam không thiếu nước. Hiện nay, tổng lượng nước ở Việt Nam một năm là khoảng 830 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu của chúng ta hiện nay mới dùng khoảng 100 tỷ mét khối. Vấn đề ở đây là nước phân bổ không đồng đều, cả về không gian và thời gian. Về không gian, lượng nước này tập trung chủ yếu vào một số vùng. Có một số vùng lượng mưa rất lớn, nhưng có một số vùng nhiều tháng, thậm chí cả năm không có mưa, không có nước. Theo thời gian thì lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, còn mùa khô gần như không có mưa. Như vậy, tổng lượng nước thì lớn, nhưng nguy cơ thừa, thiếu lại rất cao.

Vấn đề thứ hai, nước ở Việt Nam có khoảng 830 tỷ mét khối mỗi năm, nhưng lượng nước sản sinh tại lãnh thổ Việt Nam chỉ có 37%, còn lại 63% là nước từ bên ngoài chảy về. Đến 90% lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long và 60% lượng nước ở đồng bằng sông Hồng là từ bên ngoài vào, đây thật sự là vấn đề lớn. Nếu chỉ xét lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. Do đó, nếu xét trên lãnh thổ, việc chủ động được thì nước ở Việt Nam lại là khá thấp. Theo Liên hợp quốc đánh giá thì Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và ở “tốp” cao trên thế giới về mất an ninh nguồn nước.

Ngoài ra còn một vấn đề đáng báo động khác nữa về an ninh nguồn nước, đó là ô nhiễm. Đây là nguy cơ rất lớn và nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều địa phương đang rất đáng lo ngại. Nhiều hệ thống kênh, rạch, ao hồ... hiện nay đang ô nhiễm trầm trọng, do tình trạng xả thải bừa bãi, chưa qua xử lý. Theo thống kê thì nguồn thải gây ô nhiễm 70% là từ các khu dân cư, sinh hoạt, làng nghề, 30% là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Như vậy là có nước mà không dùng được. Từ ba yếu tố chính về an ninh nguồn nước đó có thể khẳng định rằng, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã đến mức báo động đỏ và an ninh nguồn nước là vấn đề bức xúc nghiêm trọng hiện nay.

Kiến nghị các biện pháp tăng cường an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, trước hết, Việt Nam cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước qua phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng mức đảm bảo và hiệu quả sử dụng nước của các hệ thống công trình tưới tiêu, cấp thoát nước, công trình phòng chống thiên tai.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.