Ô nhiễm môi trường khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm
Mỗi năm có hàng chục nghìn người Việt Nam bị tử vong do ô nhiễm môi trường. Trong đó, 2/3 tử vong do ô nhiễm không khí, gây thiệt hại kinh tế hơn 240 nghìn tỉ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn quốc hiện có khoảng 274 khu công nghiệp (KCN), trong đó mới có 242 KCN có hệ thống xử lý nước thải, chiếm 88,3%. Chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 89% các KCN có hệ thống xử lý nước thải.
Hàng ngày, riêng nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường là 7 triệu mét khối, nhưng thật sự năng lực xử lý trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, khoảng 85% nước thải sinh hoạt chưa xử lý được. Nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 1 triệu mét khối... tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tại diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ IV – năm 2020 diễn ra mới đây, Kiến trúc sư – Nhà báo Phạm Thanh Tùng (Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã cảnh báo thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp nơi.
“Mỗi năm có hàng chục nghìn người Việt Nam bị tử vong do ô nhiễm môi trường. Trong đó, 2/3 tử vong do ô nhiễm không khí, gây thiệt hại kinh tế hơn 240 nghìn tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong 10 năm, từ 2009 đến 2018, nạn cháy rừng đã tiêu hủy hơn 22 nghìn ha rừng, gây ô nhiễm bởi bụi mịn, khói, chất độc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng”, ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, chính vì thực trạng hạ tầng kỹ thuật ở một số đô thị yếu kém, lạc hậu, dẫn đến nạn ách tắc giao thông ngập úng, môi trường sống bị ô nhiễm tiếng ồn và khí thải bụi bẩn, bởi hàng triệu xe ô tô, xe máy hàng ngày thải ra môi trường. Thậm chí, hiện nay một số vùng nông thôn vẫn còn bị thiếu nước sạch sinh hoạt, hay một số nghình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng gây ô nhiễm, đe dọa cuộc sống của người dân…
Không chỉ tại Việt Nam, hồi cuối năm 2019, Liên minh toàn cầu về sức khoẻ và ô nhiễm (GAHP) cũng từng công bố, ô nhiễm là mối đe doạ môi trường lớn nhất đối với sức khoẻ con người, chiếm 15% - 28% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, tương đương hơn 8,3 triệu người (2017).
Tuy nhiên con số này chỉ là ước tính, chưa phản ánh đầy đủ tác động của ô nhiễm với sức khoẻ do có nhiều chất độc hại chưa được phân tích.
Trong đó, ô nhiễm không khí giết chết nhiều người hơn tất thảy các loại ô nhiễm khác. Tại Hoa Kỳ, 50% số ca tử vong do ô nhiễm là ô nhiễm không khí, ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm cả Việt Nam, tỉ lệ này lên tới 67%.
Dữ liệu của GAHP cho thấy, các quốc gia châu Phi là nơi có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm cao nhất thế giới, cộng hoà Chad xếp thứ 1 với tỉ lệ 287/100.000 dân, Triều Tiên xếp vị trị thứ 3 với tỉ lệ 202/100.000 dân, Nigeria đứng thứ 4, Ấn Độ đứng thứ 10 với tỉ lệ 174/100.000 dân, Trung Quốc đứng thứ 22, Anh đứng vị trí 98, Hoa Kỳ xếp vị trí 132 với tỉ lệ 61/100.000 dân, Singapore đứng vị trí 179.
Tại Việt Nam, số liệu năm 2017 cho thấy có hơn 71.300 ca tử vong do ô nhiễm, trong đó ô nhiễm không khí chiếm trên 52.000 ca. Nếu tính tỉ lệ tử vong do ô nhiễm, Việt Nam hiện xếp vị trí 103 với tỉ lệ 75/100.000 dân.
WHO khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta. Điều quan trọng là phải làm thế nào để giữ cho môi trường trong sạch.
Nhật Hạ