Biến rác thải thành điện: 'Chìa khoá' giải quyết ô nhiễm môi trường
Với lượng rác khổng lồ mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được nguồn phế thải này để phát triển điện rác, vừa góp phần tăng nguồn điện cho hệ thống, vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sau hơn 20 năm hoạt động, bãi Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) sắp không còn chỗ để chôn lấp rác. (Ảnh: Dân trí) |
Xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp.
Tuy nhiên, do tỉ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nên Chính phủ, Bộ TN-MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.
Đốt rác phát điện theo đánh giá của các chuyên gia đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, thế giới đang đề cao nền kinh tế tuần hoàn mà đốt rác phát điện cũng nằm trong chu trình này do rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.
Tại Việt Nam, bên cạnh một số ít nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động ở Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, nhiều địa phương theo xu hướng này cũng tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP.HCM (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…
Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nâng tỉ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2030, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.
Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam…
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định để thúc đẩy các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phát triển.
Việc phát triển đốt rác phát điện tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh: Internet) |
Nhiều rào cản
Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư công nghệ Xử lý, Tái chế chất thải tại Việt Nam” diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm, đó là việc tái chế một nguồn tài nguyên rác thải tạo nên nguồn năng lượng đáp ứng yêu cầu được yêu cầu của việc bảo vệ môi trường.
Đây là công nghệ cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay khi việc chôn lấp rác thải đang là vấn đề gay cấn và phải giảm quy mô của công nghệ chôn lấp tại các đô thị hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc đốt rác phát điện có thách thức, khó khăn. Thứ nhất, hiện nay khối lượng, quy mô của lượng rác thải liệu có đủ công suất trên 300.000 tấn/năm và đồng thời giải quyết vấn đề rác thải của chúng ta hiện nay là độ ẩm cao và thành phần rác hữu cơ nhiều. Như vậy phải có công nghệ, 1 là ép rác, 2 là phân loại.
Thứ hai là vấn đề chi phí đầu tư cho công nghệ đốt rác phát điện là đắt. Để thực hiện dự án này phải có nghiên cứu khả năng tài chính, huy động nguồn vốn để thực hiện. Thứ ba là nguồn đầu ra của năng lượng là điện rác cần thiết phải được có chính sách của Nhà nước và địa phương ưu đãi để tiêu thụ nguồn điện rác này.
“Công nghệ đốt rác phát điện hiện nay cần có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, địa phương và các nhà đầu tư" - ông Dũng nói.
Theo TS Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức - VIDEBRIDGE), các nhà máy điện rác sẽ từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác. Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để phát triển các nhà máy đốt rác phát điện đang có nhiều vấn đề mà theo các nhà đầu tư cần tháo gỡ. Cơ chế chính sách là một điển hình. Theo tính toán, một dây chuyền công nghệ cho nhà máy xử lý rác tương ứng cần khoảng 250 triệu USD. Trong đó thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư, diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 4ha. Đến năm 2030 có thể cần 10ha với công suất 2.500 - 3.000 tấn rác/năm. Giá thành xử lý rác ước tính 21 USD/tấn.
Về phía Bộ Xây dựng thì cho rằng, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Việc biến chất thải rắn thành năng lượng có thể giúp cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường. Vì vậy, muốn giải quyết tốt vấn đề xử lý rác thải, cần phải có “cơ chế mở” để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Nhật Hạ