Thứ sáu, 26/04/2024 17:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/07/2020 10:44 (GMT+7)

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở Hà Nội?

Theo dõi KTMT trên

Để giải quyết các bức xúc do chôn lấp rác thải gây ra, điện rác được tìm đến như một câu trả lời. Song, chuyên gia nhìn nhận câu chuyện không đơn giản như vậy.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở Hà Nội? - Ảnh 1

Cứ mỗi lần khu xử lý Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chặn, hàng chục nghìn tấn chất thải bốc mùi giữa Thủ đô.

Mọi ánh mắt đang hướng về Nhà máy điện rác có công suất 4.000 tấn/ngày được hứa hẹn giải quyết triệt để những bức xúc tồn tại suốt hàng chục năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà máy này không phải "chìa khóa vạn năng" giải quyết hết các vấn đề rác thải nhức nhối ở Hà Nội.

Cần nhiều hơn một nhà máy

Trao đổi với Zing về vấn đề này, tiến sĩ Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học Guelph ở Ontario, Canada, cho rằng đem các công nghệ từ châu Âu về xử lý tại các nước châu Á không khó.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở Hà Nội? - Ảnh 2
TS Edward McBean. (Ảnh: uoguelph.ca)

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là cấu thành rác ở các nước châu Á khác rất nhiều và là lý do chủ yếu khiến không nhiều quốc gia có hệ thống xử lý bằng lò đốt hiệu quả.

Như các nhà máy đốt rác được triển khai xây dựng cách đây vài năm ở Ấn Độ, Indonesia có giá trị đầu tư ban đầu rất lớn (khoảng 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỉ đồng) nhưng giá trị sử dụng lại không cao.

"Rác ở hầu hết nước châu Á thường có thành phần phức tạp, không được phân loại bao gồm cả chất hữu cơ, vô cơ và thậm chí rác thải độc hại. Đặc thù ở nước các bạn là rác chứa quá nhiều thành phần tự phân hủy như thức ăn thừa, hoa quả, lá cây, chất thải nông nghiệp... Và các vật liệu này không cháy", ông Edward McBean nói.

Đốt hỗn hợp các loại rác có thể khiến lò đốt hoạt động không hiệu quả, thậm chí sinh ra nhiều chất độc hại. Đây là thực tế rất nhiều quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi, nâng cấp hệ thống xử lý rác thải.

"Ở Canada, chúng tôi có một vài cơ sở xử lý rác bằng lò đốt nhưng chi phí đầu tư khổng lồ và phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải, công nghệ. Bên cạnh đó, hệ thống phân loại rác phải được ứng dụng và đảm bảo hiệu quả từ 80% trở lên", vị chuyên gia cho hay.

Không nhất thiết phải đốt

Tiến sĩ Hanspeter Schreier, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững, giảng viên Đại học British Columbia (Vancouver, Canada), nhìn nhận hướng đi hiện nay của Hà Nội rất tích cực. Ông cho rằng hoạt động chôn lấp rác thải đang dần trở thành mối lo chung của nhiều đô thị trên thế giới.

"Ở Canada, việc sử dụng các bãi chôn lấp có chi phí rất đắt đỏ, việc vận chuyển thường mất khoảng thời gian dài do được đặt biệt lập và cách xa các khu vực con người sinh sống. Thay vào đó, chúng tôi triển khai các chương trình tái chế quy mô lớn và bắt đầu từ nhiều năm trước", ông Schreier nói.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở Hà Nội? - Ảnh 3
Các thùng rác màu ghi và xanh là được xếp trước cửa nhà chờ được thu gom. (Ảnh: The Globe and Mail)

Ông cho rằng từng loại rác sẽ có phương pháp, hướng xử lý khác nhau và không phải loại rác nào cũng có thể tiêu hủy bằng nhiệt. Các TP lớn ở Canada phân loại rác thành 4 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác vô cơ khó phân hủy và sản phẩm từ giấy. Các loại rác thải nguy hại như pin, ắc-quy cũng được thu gom và xử lý riêng.

"Các loại rác này được thu gom vào các thời điểm khác nhau trong ngày và có tần suất tùy thuộc vào lượng rác sản sinh đã được tính toán từ trước. Như rác dễ phân hủy được thu gom 1 lần/ngày, rác giấy, báo sẽ thu gom 2 lần/tuần", ông nói.

Nhược điểm của cách xử lý này là chi phí đầu tư ban đầu lớn, các TP phải bố trí quỹ đất khổng lồ để xây dựng các nhà máy xử lý cho nhiều loại rác khác nhau và việc xử lý đòi hỏi phải thay đổi, nâng cấp toàn bộ hệ thống thu gom, phân loại rác.

"Người dân cần thanh toán cho chi phí xử lý các loại rác thải. Khoản thu này dùng bù đắp cho chi phí hoạt động của nhà máy, vừa để san sẻ gánh nặng cho chính phủ", vị chuyên gia cho hay.

Thay đổi nhận thức trước

Quay lại câu chuyện Hà Nội với ý tưởng đốt 4.000 tấn rác/ngày, các chuyên gia nhìn nhận thực hiện được không đơn giản.

Tiến sĩ Edward McBean nhấn mạnh việc bắt buộc phân loại rác thải. Ông cho rằng dù công nghệ nào đi chăng nữa, chỉ khi rác được phân loại đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo được hiệu năng xử lý và ngăn các khí thải có hại sinh ra trong quá trình đốt. Việc phân loại rác không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý mà còn giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho hệ thống, máy móc xử lý.

Nếu mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Việt Nam cần bắt đầu với việc thay đổi thói quen, nhận thức của người dân nhất là nhận thức của trẻ em.

Ông Edward McBean nói đây là một thách thức rất lớn. Việc xử lý rác thải vẫn đang được bao cấp và gần như không có doanh nghiệp nào muốn tham gia vì khả năng sinh lời rất thấp. Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với người dân nhằm cải thiện việc phân loại và xử lý rác thải này. Chế tài và các biện pháp xử phạt cũng là một công cụ hữu hiệu thực thi các quy định về phân loại rác tại nguồn.

Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) được phê duyệt chủ trương xây dựng từ năm 2017 với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Công suất xử lý của nhà máy này là 4.000 tấn rác/ngày lấy từ 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ, tro xỉ sau quá trình đốt cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án cho biết Nhà máy điện rác Sóc Sơn ứng dụng công nghệ khác với các nước trên thế giới khi đốt rác không cần phân loại. Vì vậy, TP Hà Nội sẽ không cần đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải và người dân không cần phân loại tại nguồn.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới