Nước mặn bủa vây, vùng đất chín sông 'khát' nguồn nước ngọt
ĐBSCL đang phải gánh chịu đợt hạn mặn khốc liệt hơn cả năm 2016, nguồn nước ngọt ở vùng Châu thổ Cửu Long đang vô cùng khan hiếm.
Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nguồn nước ngọt ở vùng ĐBSCL bắt đầu khan hiếm. Nước mặn từ biển đã tấn công vào đất liền, sớm hơn cùng kỳ các năm trước gần 2 tháng. Đến nay, hầu như các địa phương vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, nước mặn năm nay tăng nhiều so với năm 2016 do mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, lượng nước trên sông Mê Kông phía thượng nguồn Trung Quốc giảm 50%, vùng hạ Lào - Trung Quốc giảm 45%.
Nhiều vườn cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang khô héo vì thiếu nước ngọt. (Ảnh: Nhật Trường). |
Hiện tại, nhiều con sông như Hàm Luông (Bến Tre), sông Tiền (Tiền Giang) và Vàm Cỏ Tây (Long An) nước mặn hơn 3 phần nghìn đã vượt cửa sông trên 100 km, lấn sâu chưa từng có từ trước đến nay. Đặc biệt từ đợt 9/3- 15/3 này, nước mặn tiếp tục lấn sâu hơn về phía thượng nguồn các con sông chính tiếp tục đe dọa sản xuất, sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Dù những ngày qua, chính quyền và người dân vùng sông nước Cửu Long đã chung tay, quyết liệt ứng phó với hạn mặn, nhưng thiệt hại kinh tế bước đầu đã có thể thấy rõ.
Tại tỉnh Tiền Giang có hơn 23.000 hecta trong tổng số gần 80.000 vườn cây ăn trái đặc sản bị ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn; trong đó có hơn 4.500 hecta vườn cây sầu riêng ven sông Tiền bị thiệt hại. Tại các xã có vườn cây sầu riêng chuyên canh như: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Tiên, Long Trung có từ 20-30% vườn cây này bị chết trắng.
Lúa vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang trổ bông không ra hạt vì khô héo. (Ảnh: Nhật Trường). |
Ông Nguyễn Văn Tân, nhà vườn trồng 1 hecta cây sầu riêng ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang bị chết dần chết mòn vì thiếu nước than vãn:
"Hiện nay, tôi thấy cây chết khoảng 20%, còn nguy cơ khoảng 50%. Nguy cơ thì chưa chắc chết nhưng không thể giúp tôi thu hoạch mùa này được, khắc phục rất khó khăn. Thời gian này chống hạn ở đâu bây giờ. Toàn bộ trong mương vườn, ngoài sông đều bị mặn hết. Anh em rủ nhau thuê sà lan bơm tưới chữa cháy, nhưng nay gọi từ hơn 10 ngày mà họ kéo ống bỏ đó, bơm ở ngoài kia. Chứ như vầy thì năm nay coi như xong đó", ông Tân cho hay.
Còn tại tỉnh Bến Tre nước mặn trên 1 phần nghìn đã bao phủ 3 dãy cù lao. Nhiều hệ thống kênh nội đồng cũng bị nhiễm mặn 5-6 phần nghìn. Tất cả các trạm cấp nước điều bị nhiễm mặn từ 3 phần nghìn đến 5 phần nghìn.
Nước dưới kênh nội đồng của tỉnh Tiền Giang trơ đáy. (Ảnh: Nhật Trường). |
Hạn mặn bước đầu đã gây thiệt hại trên 5.000 hecta lúa Đông Xuân, 20.000 hecta vườn cây ăn trái, 1.000 hecta cây giống hoa kiểng bị ảnh hưởng; toàn bộ ao nuôi cá tra bị bệnh, hơn 722 hecta tôm càng xanh bị ảnh hưởng, 1.100 tấn nghêu bị chết trắng.Nước ngọt ở xứ dừa hiện nay vô cùng khan hiếm.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Nước tưới bây giờ cạn triệt hết rồi, vì không có nguồn nước bổ sung. Nguồn dự trữ, xài từ hôm trước đến nay rồi trời nắng khiến rút cạn dần hết. Người dân phải đi mua về tưới, sà lan về vùng trên chở về bà con mua lại. Sản xuất nông nghiệp sợ nhất không có nguồn nước tưới cây, rất căng, chôm chôm và sầu riêng 2 loại cây này rất mẫn cảm".
Cảnh bơm chuyền để vét nước ngọt tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Nhật Trường). |
Nước mặn năm nay ở tỉnh Kiên Giang xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng. Cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng Kiên Giang xuống rất thấp. Độ mặn ven biển tăng cao gây xâm nhập sâu vào nội đồng, có nơi xâm nhập sâu hơn 50 km với độ mặn hơn 4 phần nghìn. Cách đây 3 tuần, cả tỉnh Kiên Giang mới chỉ vài trăm hecta lúa bị nhiễm mặn, tập trung nhiều nhất ở xã Bình Sơn của huyện Hòn Đất thì hiện nay diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn đã lên đến gần 3 ngàn hecta, chủ yếu ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và U Minh Thượng. Trong đó, huyện Hòn Đất có hơn 1 ngàn hecta lúa bị nhiễm mặn trên 70%, ước tính thiệt hại khoảng 22 - 23 triệu đồng/ha.
Ruộng lúa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Nhật Trường). |
Ông Trần Văn Hoàng - nông dân ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: vụ lúa này, gia đình có đến hơn 6 hecta lúa bị nhiễm nước mặn, không có lãi. Năm nay hạn mặn nhiều hơn năm ngoái do cống không có xả nên mặn nhiều.
"Tình hình hạn hán xâm nhập mặn năm nay rất khốc liệt, từ tương đương đến hơn hạn mặn năm 2015 – 2016. Riêng xã Lình Huỳnh đã có biểu hiện của hạn mặn từ sau mùng 3 tết âm lịch, biểu hiện lúa đỏ lá, khô thân, lúa bị lép. Tới ngày hôm nay tốc độ quy mô diện tích, mức độ thiệt hại tăng lên khá nhanh", ông Hoàng chia sẻ.
Người dân Thành phố Bến Tre phải đi "xin" từng thùng nước ngọt. (Ảnh: Nhật Trường). |
Trà Vinh cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn trong mùa hạn mặn này. Toàn tỉnh có hơn 4.600 hộ dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung ở vùng sâu thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Kè, Càng Long. Riêng vụ lúa Đông xuân có trên 5.000 hecta lúa của gần 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng; trong đó, 3.200 hecta thiệt hại nặng do không tiếp tế được nguồn nước ngọt. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Người dân Bến Tre được cấp thùng, bễ chứa nước ngọt để cứu khát. (Ảnh: Nhật Trường). |
Riêng tỉnh Cà Mau, vùng đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc, nước mặn "tấn công" đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, có khoảng 42.000 hecta lúa bị thiệt hại và nguy cơ bị thiệt hại.
Trong đó, hơn 18.000 hecta lúa đã thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, hạn hán còn làm xảy ra hơn 900 vụ sạt lở, sụt lún đất trong vùng ngọt hóa; trong đó có những công trình giao thông huyết mạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khô hạn làm sụt lún đường giao thông tại tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Trần Hiếu). |
Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua, 2 vụ sụt lún đất đã xảy ra trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc có chiều dài khoảng 50m, lún sâu khoảng 2m và làm hư hỏng mặt đường từ 2 – 5m, tùy vị trí. Ngoài ra, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây (thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cũng liên tiếp bị sụt lún, làm thiệt hại khoảng 190m đường và nguy cơ tiếp tục làm sụt lún khoảng 200m đường phòng hộ đê biển. Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá về tình hình sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn: "Trong vùng ngọt hóa của tỉnh đã liên tiếp xảy ra sạt lở, với chiều dài hơn 22 km. Đặc biệt, có hơn 500 vị trí sạt lở làm ảnh hưởng các công trình giao thông nông thôn. Nhất là gần đây lại xảy ra sạt lở, sụt lún các công trình giao thông quan trọng của tỉnh... Dự báo mùa khô năm nay còn gay gắt hơn, kéo dài hơn đến tháng 5, tháng 6 nên tình trạng sụt lún có thể còn phức tạp hơn trong thời gian tới".
Hạn mặn vùng ĐBSCL bước đầu đã gây ra hậu quả khá nặng nề đối với mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống người dân. Tình hình này vẫn tiếp diễn nên mọi người không được chủ quan, lơ là.
Lúa Đông Xuân tại Cà Mau hết nước ngọt. (Ảnh: Trần Hiếu). |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT phân tích: "Năm nay kết thúc mùa mưa, tổng lượng mưa tại ĐBSCL thiếu mất 5%; và kết thúc sớm hơn 20 ngày. Diễn biến tình hình rất rõ, từ tháng 11/2019 đã có biểu hiện mặn rồi; tháng 12, tháng 1, tháng 2 có 3 cơn mặn của những cao triều. Đặc biệt, chúng ta đang bước vào đợt thứ 4 của năm nay từ 9-15/3, đây là đợt tiếp tục gay gắt, dự báo của chúng ta rất sát tình hình”.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, toàn vùng ĐBSCL bước đầu có khoảng 39.000 hecta lúa Mùa và Đông Xuân bị thiệt hại do hạn mặn; hàng nghìn hecta vườn cây ăn trái bị giảm năng suất; 95.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Hạn mặn mùa khô năm nay là hết sức khốc liệt và đang tiếp diễn phức tạp. Toàn vùng có 5 địa phương là: tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng phó. Công tác dự đoán, dự báo của các ngành chuyên môn khá chính xác. Đây là cơ sở để các Bộ ngành, các địa phương chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.