Chủ nhật, 24/11/2024 11:28 (GMT+7)
Thứ hai, 02/10/2023 22:00 (GMT+7)

Nông nghiệp Di Linh nỗ lực phát triển bền vững, hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, ngành nông nghiệp tại huyện Di Linh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là chỉ tiêu giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác của huyện. 

Nông nghiệp Di Linh nỗ lực phát triển bền vững, hiện đại - Ảnh 1
Ngành nông nghiệp huyện Di Linh có những bước phát triển vượt bậc.

Theo báo cáo, ngành nông nghiệp huyện Di Linh tăng trưởng bình quân 3 năm đạt hơn 6%, giá trị sản phẩm/ha canh tác năm 2023 đạt hơn 160 triệu đồng, tăng 26% so với đầu nhiệm kỳ. Diện tích gieo trồng toàn huyện hiện đạt trên 63.000 ha, tăng 7,7% so với năm 2020. Đồng thời, dự ước diện tích cây cà phê của huyện Di Linh đến năm 2025 đạt trên 40%, đảm bảo điều kiện thâm canh cao, năng suất bình quân ổn định lên tới 36 - 40 tạ/ha. Cây ăn trái trồng xen canh toàn huyện diện tích dự tính sẽ đạt 16.000 ha, tăng khoảng 5.400 ha vào năm 2025.

Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất cây trồng, huyện Di Linh còn chú trọng vào phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Được biết, diện tích áp dụng một số khâu trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ước đến hết năm 2023 đạt trên 900 ha.

Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu tiếp tục xây dựng phát triển sản phẩm nông sản có thương hiệu, giá trị, kết nối sâu rộng với thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương đang được đẩy mạnh. 

Nông nghiệp Di Linh nỗ lực phát triển bền vững, hiện đại - Ảnh 2
Các mô hình trồng hoa hiệu quả đang giúp người nông dân làm giàu từ nông nghiệp.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh TM DV Chế biến nông sản DiLin, xã Hòa Nam, huyện Di Linh. Trước đó khi nhận thấy nhu cầu thị trường về hạt macca sấy nứt tăng mạnh, bà con có diện tích macca lân cận thành lập HTX, tập trung nguồn vốn để mua máy móc chế biến. Nay HTX DiLin mở rộng dần quy mô sản xuất từ tiêu thụ macca vườn nhà qua thu mua macca quanh vùng, từ cung ứng trong nước thì vừa qua HTX còn nhận được đơn hàng xuất khẩu hạt macca sấy khô sang thị trường Đài Loan. Từ đó, HTX đang xây dựng sản phẩm macca từ OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao. 

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Liên kết Mắc ca Di Linh thành lập từ năm 2018, đến nay HTX tiêu thụ gần 100 tấn mắc ca thành phẩm. Đặc biệt, sau khi được xếp hạng OCOP 3 sao từ năm 2020, sản phẩm mắc ca của HTX tiêu thụ tăng sản lượng từ 20 - 30% trở lên. Không chỉ bán trong nước, sản phẩm của HTX được trồng theo hướng VietGAP, GlobalGAP cũng được xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật… Tất cả sản phẩm mắc ca của HTX đều có tem truy xuất nguồn gốc, vì vậy có thể đảm bảo được chất lượng, tiêu thụ ổn định, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người dân nói riêng cũng như nông sản Di Linh nói chung.

Hay như sản phẩm cà phê được sản xuất hữu cơ của HTX Hoa Linh Coffee đã lọt top 10 cà phê Robusta đặc sản tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup” năm 2023. Không những vậy, một nhà rang đã trả 420.000đ/kg, giá cao gấp 8 lần so với giá thị trường để có lô hàng 1 tấn Robusta chứng nhận canh tác theo phương pháp hữu cơ của HTX này. Mức giá này cho thấy những công sức, tâm huyết của người nông dân đã được khẳng định. Thêm vào đó là mở ra những hy vọng mới và là động lực tiếp sức cho những người nông dân Di Linh trên hành trình thực hiện ước mơ về một vùng sản xuất cà phê chất lượng cao.

Nông nghiệp Di Linh nỗ lực phát triển bền vững, hiện đại - Ảnh 3
Nông nghiệp tại Di Linh đang từng bước hiện đại hoá và tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Theo báo cáo, đến nay, toàn huyện Di Linh đã có 8 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Ước đến 30/6/2023, toàn huyện có thêm 5 sản phẩm được công nhận 3 sao và đến năm 2025, phấn đấu mỗi xã, thị trấn Di Linh có ít nhất 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.

Với những kết quả đạt được, có thể thấy mô hình HTX được đánh giá là điển hình cho mô hình kinh tế tập thể có kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chính vì vậy, huyện tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng phát triển sản phẩm nông sản có thương hiệu, giá trị, kết nối sâu rộng với thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương. Liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân, nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, tăng quy mô sản xuất hàng hóa. 

Theo UBND huyện Di Linh, với sản lượng và chất lượng cây trồng tiếp tục nâng cao đồng nghĩa với việc Di Linh tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích trong thời gian 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện. 

Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện Di Linh, trong tổng số 20 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đề ra đến nay đã có tới 7 chỉ tiêu dự ước đã đạt và vượt. Nhưng huyện Di Linh còn tồn tại nhiều hạn chế. Để có thể đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu mà Đại hội lần thứ XV đề ra huyện cần xây dựng phương án khắc phục. Như đối với nông nghiệp cần tập phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.

“Huyện sẽ nỗ lực đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản; đặc biệt là những mặt hàng có lợi thế so sánh như: cà phê, mắc ca, sầu riêng, bơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 80% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết”, ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh chia sẻ.

An Hữu

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp Di Linh nỗ lực phát triển bền vững, hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới