Thứ sáu, 27/12/2024 20:28 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/04/2021 09:47 (GMT+7)

Nỗi lo an ninh lương thực

Theo dõi KTMT trên

Thiệt hại từ mất mùa do nắng nóng và hạn hán đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua tại châu Âu. Đây là kết quả một nghiên cứu mới vừa công bố, cho thấy rõ hơn tính dễ tổn thương của hệ thống lương thực trước biến đổi khí hậu.

Theo CNA, một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Environmental Research Letters đã nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp ở 28 quốc gia Châu Âu và Anh từ năm 1961 đến năm 2018.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu như hạn hán, sóng thần, lũ lụt hay thời tiết giá lạnh đều gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng và hạn hán ảnh hưởng đến năng suất cây trồng gấp 3 lần so với các hiện tượng thời tiết khác, từ mức thiệt hại 2,2% trong giai đoạn 1964-1990 lên 7,3% trong giai đoạn 1991-2015.

Nỗi lo an ninh lương thực - Ảnh 1
Tình trạng thiếu nước do hạn hán kéo dài đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực. (Ảnh minh họa)

Teresa Bras - tác giả nghiên cứu chính cho biết, ngũ cốc - một loại lương thực chiếm gần 65% diện tích canh tác của Liên minh Châu Âu và chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc - là loại cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài, đồng thời nghiên cứu cũng cảnh báo về hệ thống và giá lương thực toàn cầu.

Nghiên cứu cho biết đợt nắng nóng kinh hoàng và hạn hán năm 2018 ở Châu Âu đã khiến sản lượng ngũ cốc giảm 8% so với mức trung bình của 5 năm trước, "gây ra tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc và khiến giá hàng hóa tăng mạnh".

Không chỉ riêng châu Âu, các nước châu Phi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và còn nghiêm trọng hơn thế. Báo cáo đặc biệt của IPCC về các vấn đề “Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý đất đai bền vững, an ninh lương thực và dòng khí hiệu ứng nhà kính trong các hệ sinh thái trên cạn” được cho là hồ sơ, phân tích khoa học toàn diện nhất cho đến nay về chủ đề này.

Chủ tịch IPCC, ông Hoesung Lee bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng về mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, nhất là liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có, gây ra tác động tiêu cực đến những cộng đồng dễ bị tổn thương ở châu Phi.

Một thực trạng hiện nay đang diễn ra ở châu Phi là phần lớn các quốc gia thành viên thuộc Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do thiên tai và thời tiết không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hạn hán triền miên cùng hàng loạt vụ thiên tai xảy ra từ đầu năm đã khiến sản lượng lương thực tại khu vực này sụt giảm nghiêm trọng.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nạn đói gia tăng ở hầu hết các khu vực của châu Phi và lục địa này có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới, ở mức gần 20%. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng là các quốc gia phía đông, nơi gần một phần ba số dân phải vật lộn tìm lương thực để đủ ăn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do biến đổi khí hậu. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước châu Phi và các đối tác phát triển chủ chốt cần hỗ trợ người nông dân ở khu vực này đối phó mối đe dọa do biến đổi khí hậu, với các chính sách mang tầm quốc gia nhằm bảo vệ nông dân và giúp họ khả năng mau chóng phục hồi. Theo FAO, các cơ sở sản xuất lương thực quy mô nhỏ và gia đình của họ rất dễ bị ảnh hưởng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Việc xây dựng khả năng phục hồi cho nông dân là một trong những ưu tiên của chính phủ các nước châu Phi và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về lương thực cho khoảng hai tỉ người của lục địa này vào năm 2050.

Biện pháp mà các nước châu Phi được cho là có thể thực hiện ngay trong thời gian tới là phối hợp xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, đưa ra cảnh báo kịp thời về thiên tai, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng ứng phó. Tuy nhiên, để có nguồn lực thực hiện các ưu tiên và chương trình nêu trên, các nước châu Phi tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, nhân lực và kỹ thuật; đồng thời chính phủ các nước trong khu vực cần tăng cường khả năng quản lý và đối phó hiệu quả thiên tai nhằm giúp “lục địa đen” sớm thoát khỏi đói nghèo và bảo đảm an ninh lương thực.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo an ninh lương thực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới