Thứ năm, 25/04/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ hai, 08/03/2021 16:29 (GMT+7)

Cơ chế hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn

Theo dõi KTMT trên

Các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL được hỗ trợ thêm kinh phí khi phải thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sạch; mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân.

Cơ chế hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn - Ảnh 1
Người dân đào ao trữ nước ngọt để ứng phó với hạn, mặn. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cụ thể, chỉ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với những địa phương đã xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng (Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị), khó khăn về ngân sách, có đề nghị bằng văn bản của UBND cấp tỉnh.

Đối tượng hỗ trợ gồm tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và các đơn vị khác liên quan được giao thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

UBND cấp huyện, cấp xã tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được giao tổ chức thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiền điện, dầu thực hiện bơm nước vượt định mức; nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương; lắp đặt trạm bơm dã chiến (trường hợp thực sự cần thiết).

Các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL được hỗ trợ thêm kinh phí khi phải thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sạch; mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Riêng khu vực Trung Bộ và ĐBSCL được hỗ trợ bổ sung kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt.

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đối với các địa phương thuộc các tỉnh khu vực miền núi, Tây Nguyên, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 70% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Với các địa phương có tỉ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương từ 50% trở lên thì ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đối với các địa phương có tỉ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương dưới 50%, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% mức thực chi để thực hiện các giải pháp trên.

Tỉ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương xác định theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

(TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.