Thứ hai, 09/09/2024 21:43 (GMT+7)
Thứ tư, 07/07/2021 17:35 (GMT+7)

Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng sông chết

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, hàng loạt biện pháp để hồi sinh sông, hồ đã được TP.Hà Nội triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này, điều quan trọng nhất là phải xử lý được nguồn thải chảy.

Thực hiện nhiều giải pháp để "hồi sinh"

Theo thống kê, TP.Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với 122 hồ nội thành, 185 hồ ngoại thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ. Không những thế, các hồ trong nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các sông, hồ đều bị ô nhiễm nặng. Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chất lượng nước các dòng sông nội đô, như Kim Ngưu, Tô Lịch, Sét, Nhuệ, Lừ..., hàm lượng amoni, coliform, phosphat… đều vượt quy chuẩn cho phép. Thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tình trạng ô nhiễm của các con sông (Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy...) cũng đã giảm nhiều song chưa được triệt để.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt của dân cư các quận, huyện ven sông và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp chưa được qua xử lý xả thẳng vào sông. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông…

Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng sông chết - Ảnh 1
Sông Tô Lịch hầu như chỉ chứa bùn và chất thải. (Ảnh: Việt Linh)

Để xử lý tình trạng này, từ năm 2013, TP.Hà Nội đã đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai) vào hoạt động. Nhà máy có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu, khi qua xử lý nước sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xả nước ra môi trường.

Đến đầu tháng 10/2016, Thành phố cũng khởi công Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì). Với công suất 270.000m3/ngày đêm, nhà máy sẽ xử lý nước thải sinh hoạt ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì.

Ngoài ra, nhiều dự án với kinh phí hàng nghìn tỉ đồng cũng được TP.Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm...

Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 6 trạm, nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động. Một số dự án khác đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện: Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Sơn Tây, Phú Lương…

Bên cạnh đó, TP.Hà Nội tiếp tục tiến hành cải tạo kè đá, nạo vét, xây dựng đường dạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ, một số hồ được xây dựng hệ thống cống tách nước thải, cửa phai, trạm bơm thoát nước. Các hồ sau cải tạo đã giải quyết được hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ, điều kiện vệ sinh mặt hồ và xung quanh hồ nhìn chung bảo đảm, chất lượng nước được cải thiện.

Phải xử lý từ nguồn nước thải

Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ để giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề gom được nước thải là thách thức lớn nhất hiện nay trong việc làm sạch các dòng sông. Bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính khiến các dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối.

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải.

"Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được" - TS Đào Trọng Tứ khẳng định.

Theo TS Đào Trọng Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp "rắn" như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng cần tập trung vào vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước tiếp cận theo lưu vực sông, địa phương để bố trí lại sơ đồ dân cư và điều chuyển các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường. Chú trọng vấn đề bảo vệ hành lang sông và đưa ra quy chuẩn về quản lý khu vực xả nước thải, thậm chí có thể cấm xả thải ở các khu vực đã quá tải. Khi đã kiểm soát được các nguồn thải như sinh hoạt, công nghiệp, y tế... thì sẽ khôi phục lòng sông để sông có thể tự chảy để làm sạch và có thể áp dụng các biện pháp vi sinh đối với những khu vực không còn nguồn thải.

Cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện kinh tế TN&MT TP.HCM, cho rằng để xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị lớn như TP.HCM đạt hiệu quả cao cần nhìn ở góc độ tổng thể. Hiện nay, hạ tầng thu gom nước thải của các TP là thu gom chung cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và cả nước biển. Do đó, nếu đưa lượng nước thải này về một nhà máy để xử lý thì không có quy trình công nghệ nào có thể xử lý hết được. Chưa kể, muốn đầu tư hàng loạt nhà máy xử lý nước thải này, cần phải tốn cả chục tỉ USD, nguồn vốn từ ngân sách không đảm đương nổi, còn kêu gọi nhà đầu tư thì phải chờ đợi lâu.

Theo TS Thuận, nên khoanh vùng thu gom theo từng vùng, sau thu gom sẽ đưa toàn bộ nước thải vào hồ sinh thái, xử lý bằng hệ thống sục khí tạo oxy cho vi sinh vật phát triển, tự cải thiện chất lượng nước theo thời gian. Ngoài chia nhỏ vùng thu gom, chính quyền TP cần quản lý "đầu vào" các nguồn xả thải, sớm nghiên cứu có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bột giặt, nước giặt, các loại mỹ phẩm... chuyển sang công nghệ không sử dụng xút tổng hợp mà sử dụng xút hữu cơ, thân thiện cho môi trường.

"Nếu xây các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thì cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp... để việc xử lý đạt hiệu quả" - TS Thuận đề xuất.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng sông chết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.