Thái Nguyên: Tái khởi động Nhà máy Xử lý nước thải Gia Sàng
Sau gần 2 năm nâng cấp và khắc phục sự cố hệ thống điện tại phòng điều khiển, Nhà máy Xử lý nước thải Gia Sàng (TP.Thái Nguyên) do Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã được vận hành.
Nhà máy Xử lý nước thải Gia Sàng thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn 9 phường trung tâm khu vực phía Bắc TP.Thái Nguyên, với công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm; chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định của Bộ TN&MT. Từ đó, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra, đồng thời cải thiện môi trường sống, điều kiện về vệ sinh và mỹ quan đô thị.
Được biết, Nhà máy Xử lý nước thải Gia Sàng là một hạng mục của Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Thái Nguyên, được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018.
Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Thái Nguyên với số vốn đầu tư hơn 900 tỉ đồng được hoàn thành vào năm 2018. Hạng mục quan trọng của dự án là xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng có công suất xử lý mỗi ngày 6.000 m3 nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông Cầu.
Tuy nhiên đưa vào vận hành chưa được bao lâu thì ngày 24/8/2019, tủ điện điều khiển bị cháy, toàn bộ nhà máy tê liệt, ngừng hoạt động. Từ đó đến nay đã hai năm, nhà máy vẫn “đắp chiếu”, lượng nước thải sinh hoạt TP.Thái Nguyên bị ô nhiễm nghiêm trọng là rất lớn mà không được xử lý, xả thẳng ra sông Cầu khiến dư luận bức xúc.
Điển hình là hồ Cống Ngựa được Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Thái Nguyên đầu tư xây dựng với mục đích thu gom nước thải sinh hoạt khu vực lân cận ở phường Hoàng Văn Thụ để đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng. Nước thải sinh hoạt từ các nơi đổ về hồ Cống Ngựa đen ngòm, mùi hôi tanh rất khó chịu, không được xử lý, xả thẳng ra sông Cầu.
Tủ điện điều khiển Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng bị cháy, thời gian qua, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Thái Nguyên cùng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một số cuộc họp bàn giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng với quy mô lớn, hai năm qua “đắp chiếu”, nhiều hạng mục không được vận hành sẽ xuống cấp, không những số vốn đầu tư rất lớn của nhà nước không phát huy hiệu quả, lãng phí mà hằng ngày có ít nhất 6.000 m3 khối nước thải sinh hoạt ô nhiễm không được xử lý, xả thẳng ra sông Cầu, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sản xuất, đời sống của nhân dân các tỉnh phía hạ lưu.
Xuân Hòa