Xây dựng Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng làm nứt đê, nhà dân, đơn vị thi công nói gì?
Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng đang khiến nhiều hộ dân tại xóm Hà Châu, xã Liên Hà (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) bức xúc vì trong quá trình thi công gây nứt nhà dân, lún đê.
Theo kế hoạch đầu tư của UBND TP.Hà Nội, dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng (xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) được đầu tư xây dựng với mục đích cấp nước cho người dân Đan Phượng và vùng lân cận. Dự án này dự kiến đưa nhà máy vào cấp nước từ năm 2018. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án vẫn trong tình trạng ngổn ngang, dang dở.
Mới đây nhất, theo phản ánh của nhiều người dân, việc thi công công trình Thu - Trạm bơm nước thô của dự án khiến nứt dọc đoạn đê Hữu Hồng, đoạn qua xã Liên Hà huyện Đan Phượng. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình cho rằng, quá trình thi công ép cọc công trình đã gây ra tình trạng nứt, lún nhà dân.
Được biết, việc thi công công trình thu - trạm bơm nước thô tại dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng được thực hiện bởi Công ty CP Xây dựng đê kè thủy lợi Hưng Yên.
Là đơn vị trực tiếp thi công, tuy nhiên trả lời câu hỏi của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường liên quan đến việc thi công gây nứt lún nhà dân và đê, ông Việt Anh, Giám đốc Công ty CP Xây dựng đê kè thủy lợi Hưng Yên cho biết: “Không có trách nhiệm trả lời báo chí về vấn đề này”.
“Chúng tôi cũng không có trách nhiệm báo cáo chủ đầu tư. Mọi thông tin nếu cần, các anh chị cứ liên hệ chủ đầu tư (Công ty cổ phần nước mặt Sông Hồng-PV). Chúng tôi không có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Việt Anh nhấn mạnh lần nữa.
Vẫn theo vị đại diện này, việc phản ánh của người dân “nếu có thì tùy báo chí tìm hiểu", "mọi vấn đề về công tác khắc phục cũng sẽ có các cơ quan chức năng cấp trên là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện".
Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng được xây dựng nhằm giảm tải áp lực khai thác nước ngầm đang có nguy cơ cạn kiệt và cung cấp nước sạch cho một vùng dân cư Hà Nội.
Theo Quyết định đầu tư của UBND Thành phố Hà Nội, Nhà máy được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng với diện tích 21,1 ha.
Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư với số vốn 3.692 tỉ đồng, công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000 m3/ngđ (ngày đêm); Giai đoạn II (2030) là 450.000 m3/ngđ .
Chủ đầu tư dự án là Công ty CP nước mặt sông Hồng gồm 3 cổ đông là Công ty CP Tập đoàn Thành Long, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Hạ tầng Nước sạch Hà Nội.
Đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, đến nay toàn bộ mặt bằng thi công nhà máy cơ bản đã hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư.
Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng đặt tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng với diện tích 21,1 ha, được đầu tư với số vốn 3.692 tỉ đồng, công suất thiết kế giai đoạn I (2020) 300.000 m3/ngày đêm; Giai đoạn II (2030) 450.000 m3/ ngày đêm.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 Hà Nội sẽ xây dựng 3 nhà máy nước mặt gồm: Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng đang trong tình trạng chậm tiến độ.
Công trình thu - trạm cấp nước thô chỉ là một hạng mục của nhà máy và được xây dựng tại khu vực bãi sông, tương ứng k46+130 đến k46+280 đê Hữu Hồng, huyện Đan Phượng.
Công trình có 2 hạng mục mương thu nước, dài 55 m và 18 m; Chiều dài khuôn viên nhà trạm dài 79,3 m dọc theo đê; Nhà trạm bơm có kích thước mặt bằng 16,5 x 25,4 m, cách chân đê khoảng 20 m, cao trình đáy bể hút -3,5 m, cao trình sàn nhà trạm +16 m, cao trình mái nhà trạm +27,95 m, kết cấu bê tông cốt thép, gia cố móng bằng cọc ly tâm. Thời gian cấp phép thi công thực hiện đến hết 31/5/2021.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng đang đối diện với thực trạng chậm tiến độ, vỡ kế hoạch, kéo theo hệ lụy là khiến hàng trăm người dân Hà Nội tiếp tục phải chờ đợi để có nước sạch sử dụng. Không chỉ vậy, việc thi công ép cọc tại hạng mục “Công trình thu – trạm Bơm nước thô" của dự án tiếp tục gây nứt lún nhà, đê khiến người dân sinh sống xung quanh hoang mang và bức xúc.
Điều đáng nói, cách tiếp nhận thông tin và trả lời báo chí của đơn vị trực tiếp thi công cho thấy thái độ thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Trong tương lai gần, khi dự án tiếp tục thực hiện, việc ép cọc tiếp tục được các nhà thầu thi công, nguy cơ sập nhà người dân hoàn toàn có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Lúc đó ai, cơ quan chức năng nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này!
Bích Đào