Thứ năm, 26/12/2024 20:13 (GMT+7)
Thứ năm, 04/03/2021 18:36 (GMT+7)

Nỗ lực bảo vệ ‘hành tinh xanh’

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang khiến Trái Đất ngày càng nóng lên, cùng với đó là hiện tượng thiên tai, bão lũ,... gây hậu quả tàn khốc. Trước vấn đề này, nhiều quốc gia đã đưa ra cam kết và kế hoạch dài hạn cùng chung tay hành động bảo vệ “hành tinh xanh”.

Các dấu hiệu cảnh báo về biến đổi khí hậu đã rõ ràng trong thập kỷ qua. Những thay đổi về tổng lượng nhiệt được lưu trữ trong các đại dương và khí quyển có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn đến hành tinh, đặc biệt là trên các sông băng, và tảng băng.

Trong thập kỷ qua, biển băng ở Bắc Cực đạt diện tích nhỏ nhất chưa từng có. Các tảng băng ở Greenland và Nam Cực cũng đang mất dần khối lượng, với tốc độ tan tăng nhanh chỉ trong thập kỷ qua.

Băng tan kéo theo hệ lụy là nước biển dâng cao. Tốc độ mực nước biển dâng trên toàn cầu ngày càng nhanh. Từ năm 2010 - 2018, mực nước biển dâng đã tăng lên trên 4 mm mỗi năm, tương ứng với gần 5 cm trong thập kỷ qua.  

Nỗ lực bảo vệ ‘hành tinh xanh’ - Ảnh 1
Nhiều cam kết và kế hoạch dài hạn được các nước đưa ra để giảm lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng này, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã xây dựng các quy định cứng rắn hơn đối với phát thải khí CO2. Một số nước châu Âu như Pháp, Na Uy đã công bố các kế hoạch cấm ôtô sử dụng dầu diesel và cắt giảm khí thải.

Tại Anh, khoảng 90% số lượng ôtô hiện được bán sử dụng xăng hoặc dầu diesel. Bởi vậy, Chính phủ Anh dự kiến cấm bán ôtô sử dụng xăng, dầu từ năm 2035, sớm hơn 5 năm so kế hoạch trước đó. Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Ofgem của Anh cũng lên kế hoạch có 10 triệu xe điện được sử dụng vào năm 2030 và thúc đẩy áp dụng năng lượng tái tạo. Ofgem sẽ hỗ trợ phát triển lưới điện ngoài khơi nhằm tăng gấp bốn lần sản lượng điện gió ngoài khơi trong 10 năm tới và mở một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ Australia cũng tăng nguồn cung khí đốt và năng lượng tái tạo trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 1,4 tỉ USD với chính quyền bang đông dân nhất nước này là New South Wales, nhằm giảm khí thải carbon. Theo Thủ tướng Australia S.Morrison, thỏa thuận này sẽ giúp ổn định mạng lưới điện của bang New South Wales, giảm giá điện và thúc đẩy sản xuất thêm năng lượng tái tạo gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Trong bối cảnh Australia đang chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, khí đốt sẽ là yếu tố quan trọng để giảm khí thải của ngành sản xuất điện ở Australia, vốn phụ thuộc 70% vào than đá.

Pháp vừa thông qua luật nhằm đạt mục tiêu tất cả nhựa được tái chế vào năm 2025 và giảm 50% số chai nhựa sử dụng một lần trong 10 năm tới. Theo đó, các nhà hàng tại Pháp sẽ phải ngừng sử dụng túi, hộp nhựa từ năm 2023. Trong khi đó, quỹ hưu trí lớn nhất của Hà Lan là ABP hướng đến mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng việc rút vốn đầu tư khỏi các công ty trong lĩnh vực năng lượng gây ô nhiễm. ABP đã đặt mục tiêu cắt giảm khí thải carbon với các công ty mà quỹ đầu tư từ năm 2015. Theo mục tiêu mới, ABP sẽ đầu tư thêm 5 tỉ USD vào các công ty năng lượng bền vững và giá cả phải chăng trong vòng 5 năm tới, nâng tổng mức đầu tư lên 15 tỉ USD.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đặt ra mục tiêu cải thiện khoảng 40% tỉ lệ phát thải khí nhà kính trên GDP cho tới năm 2030. Nhật Bản cũng dự định đẩy nhanh việc đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng, tăng 7 lần lượng điện năng từ năng lượng mặt trời và tăng 4 lần điện năng được sản xuất từ gió và địa nhiệt.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, chẳng hạn như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật so với NDC đệ trình năm 2015, Việt Nam đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp trong kiểm kê khí nhà kính, kịch bản phát triển thông thường, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hài hòa đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu với phát triển bền vững. Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng về lượng giảm phát thải từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng lên từ 25% lên 27% và lượng giảm phát thải khí nhà kính đã tăng từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ.

Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực bảo vệ ‘hành tinh xanh’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.