Những vấn đề môi trường nào "làm nóng" Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV?
Giải quyết ô nhiễm sông Cầu, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cùng xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ khai thác khoáng sản... là những vấn đề nổi bật về môi trường được Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn và đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết các vấn đề trên.
Một trong những vấn đề nổi bật, được nhiều đại biểu quan tâm nhất là việc xử lý ô nhiễm sông Cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đây cũng là nội dung chất vấn của Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Theo Đại biểu Hà, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp lớn đến cuộc sống của nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
Cùng với đó đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội Long An đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TN&MT về chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, phần lớn các nguồn thải từ khu đô thị, khu dân cư, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Cụ thể tính đến năm 2022, cả nước có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải có 7 khu đang trong giai đoạn hoàn thành…
Hiện nay, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an cũng đã rà soát, kiểm tra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định này. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường quan trắc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời làm việc với các địa phương để tập trung các nguồn lực xây dựng các công trình tách nước thải của đô thị và nông thôn với nước mưa trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Thời gian tới, Bộ TN&MT đề xuất giải pháp cần tập trung rà soát nguồn thải, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung cho các khu Phong Khê 1-2, khu Phú Lâm… Do đó, đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm, giám sát xử lý nước thải khu vực làng nghề. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ TN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với các lưu vực sông, bao gồm hệ thống Bắc Hưng Hải.
Về lâu dài, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh cần có quy hoạch để di chuyển các làng nghề, cụm công nghiệp đến nơi có khu vực xử lý nước thải tập trung; từ đó xử lý dứt điểm được vấn đề ô nhiễm.
Theo báo cáo gần nhất, tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta nằm ở mức rất cao. Ở đô thị, số liệu từ 57/63 địa phương cho thấy đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, con số này chưa chuẩn xác. Bởi lẽ quy trình, phân loại, thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này.
Cùng với đó, năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Trước thắc mắc trên, Bộ trưởng đến năm 2022 tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị là 36.870 tấn, khu vực nông thôn khoảng 29.455 tấn.
Hiện cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý rác sinh hoạt và 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng. Số liệu mà đại biểu trao đổi là con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Thực tế, Bộ TN&MT đã thực hiện một số giải pháp và thực hiện hướng dẫn như Thông tư 02 của Bộ TN&MT. Tương lai, Bộ trưởng sẽ đề nghị các địa phương căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ để tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn nhằm xử lý rác thải triệt để.
Song song với đó là rà soát, hoàn thiện chính sách quy định về chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt ưu tiên ban hành Bộ định mức kinh tế kỹ thuật đến năm 2024 về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và rà soát ban hành Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết theo báo cáo hiện lượng rác thải nhựa phát sinh hằng năm khoảng 2,9 triệu tấn và chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế. Ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh và mức tiêu thụ này cao hơn nhiều so với mức tiêu thụ của thế giới.
Và rác thải nhựa đang là vấn nạn lớn đặc biệt là đối với các tỉnh ven biển, để giải quyết vấn đề này cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1746 về kế hoạch Quốc gia về rác thải nhựa, đại dương đến 2030 và trong đấy đặt mục tiêu đến 2025 như là giảm thiểu 50 % rác thải nhựa trên biển và đại dương, 80% các khu du lịch sẽ không sử dụng nhựa 1 lần và túi nilon khó phân hủy.
Dù có nhiều chuyển biến nhưng ta có thể làm nhiều hơn thế nhất là về mặt chính sách. Chúng ta nhắc nhiều tới phân loại tuy nhiên chưa có hướng phân loại về rác thải, công nghệ tái chế sử dụng vẫn còn khá thô sơ.
“Tôi không kiến nghị thêm giải pháp mới tôi chỉ đề nghị các bộ ngành khẩu trương thực hiện ngay, đúng và đủ nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học Môi trường trong năm 2024 tổ chức giám giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 để đồng hành với Chính phủ, kịp thời xem xét, kiến nghị khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành mục tiêu góp phần xây dựng Việt Nam xanh”, Đại biểu Xuân kết luận.
Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn.
Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD
Tại kỳ họp, Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm chính sách đặc thù, đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định “Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công dự án chỉ được sử dụng sản phẩm khai thác từ các mỏ khoáng sản này phục vụ cho xây dựng dự án” và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án.
Đại biểu An nhấn mạnh, để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án. Đề nghị cần xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký; Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm.
Giải pháp của Bộ TN&MT trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo về thiên tai; đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở…
Bên lề kỳ họp Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét đầy đủ và toàn diện việc xây dựng và ban hành một luật riêng về biến đổi khí hậu. Đây sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất cho các tổ chức hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhất là sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhiều nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang tích cực xây dựng dựng văn bản luật về biến đổi khí hậu.
Không những thế, việc ban hành luật riêng về biến đổi khí hậu còn khẳng định cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu. Trên hết nó còn là quan điểm, tầm nhìn của nước ta, không coi biến đổi khí hậu là thách thức mà đó còn là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh mục tiêu đưa kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển.
Cũng liên quan đến biến đổi khí hậu Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội Long An cho hay, hiện nay các tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong việc tiếp cận, trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường carbon trong nước thì chưa thành lập.
Với vai trò của mình, Bộ TN&MT cùng với các bộ, ngành thực hiện theo đúng lộ trình xây dựng quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trước hết là hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm thực hiện nội dung vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
"Vòng đời của một chai nhựa có thể dài hơn từ một vật dụng đựng chứa nước đến có thể sang chứa rượu, dầu nhớt sau đó mới mang đi tái chế cắt thành hạt nhựa để tạo thành một sản phẩm mới. Tuy nhiên lại thiếu việc kiểm tra chất lượng, an toàn cho các mục đích tái chế sử dụng và nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dùng là thường trực. Chúng ta đề nghị sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế nhưng các chính sách khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ sản phẩm mới thay thế chưa đủ hữu hiệu".
Đại biểu Lê Đào An Xuân
Nội dung - Đồ họa: Nhật Hạ