Thứ bảy, 23/11/2024 00:32 (GMT+7)
Thứ tư, 16/09/2020 16:23 (GMT+7)

Những điều đặc biệt tại ngôi làng không rác ở Nhật Bản

Theo dõi KTMT trên

Ngôi làng Kamikatsu, huyện Katsuura, tỉnh Tokushima, Nhật Bản – nơi có khoảng 1.500 cư dân sinh sống vẫn khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục bởi lối “sống xanh”.

Phân rác thành 34 loại

Làng Kamikatsu có thói quen đốt rác nhưng đến năm 2003, người dân ở đây đã thay đổi vì họ nhận thấy việc làm này gây hại cho môi trường. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng lò đốt rác sẽ thải ra các chất độc hại và khí nhà kính gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực của con người.

Sau khi nhận thấy kế hoạch xử lý chất thải trước đây của mình làm ảnh hưởng đến môi trường thì người dân đã tìm kiếm những biện pháp mới. Nhiệm vụ chính của họ là tạo ra một chương trình xây dựng thành phố "không rác thải".

Những điều đặc biệt tại ngôi làng không rác ở Nhật Bản - Ảnh 1
Người dân làng Kamikatsu đã phân rác thành 34 loại. (Ảnh: Internet)

Thời gian đầu tập phân loại rác, không ít người bối rối, thậm chí còn cảm thấy đây là gánh nặng đối với cuộc sống của họ. Họ tốn khá nhiều thời gian để gom chính xác từng loại rác mà không bị nhầm. Thế nhưng lâu dần, quy trình này trở thành chìa khóa thành công cho chiến dịch "zero waste" (không rác thải) ở Kamikatsu, và "gánh nặng" lại biến thành lối sống của dân bản địa. Hiện nay, họ phải phân rác thải thành 34 loại riêng.

Bạn có thể tự hỏi tại sao người dân Kamikatsu phải làm tất cả công việc phân loại rác. Bởi vì ngôi làng này không có xe tải để chở rác, người dân phải tự mình làm tất cả các quy trình rồi mang rác đến trung tâm xử lý.

Tái chế đồ người khác bỏ đi

Bên cạnh việc phân loại rác, người dân nơi đây còn tái chế những món đồ người khác vứt đi. Họ có thể biến trang phục kimono cũ thành đồ chơi gấu bông cho trẻ em hoặc dùng những đồ gia dụng hay quần áo mà không còn cần nữa để đổi lấy những mặt hàng miễn phí mà người khác bỏ đi.

Hiện nay, 80% rác của Kamikatsu đều được giữ lại để tái sử dụng hoặc tái chế. Những loại rác còn lại mà không thể tái sử dụng dưới bất cứ hình thức, hình dạng nào sẽ được mang đến bãi chôn rác.

Nhờ tái chế rác, Kamikatsu đã tiết kiệm được một phần ba chi phí so với sử dụng lò đốt chất thải.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh từ việc tái chế rác dần trở nên phổ biến, đem lại một nguồn lợi không hề nhỏ. Mỗi năm làng nghề Kuru Kuru ở Kamikatsu thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan, mua sắm những mặt hàng như áo sơ mi, túi xách, chai lọ được tái chế từ rác.

Những điều đặc biệt tại ngôi làng không rác ở Nhật Bản - Ảnh 2

Ngoài Kamikatsu, các thành phố khác trên thế giới cũng đang cố gắng giảm sự lãng phí. Chẳng hạn, năm 2015, San Diego tuyên bố kế hoạch giảm 75% rác thải vào năm 2030 và hoàn toàn không có chất thải vào năm 2040. Thành phố New York có kế hoạch đầy tham vọng tương tự, hy vọng sẽ không có chất thải trong khoảng 15 năm.

Trên toàn cầu, lượng rác được sản xuất đang tăng nhanh hơn tốc độ đô thị hóa (báo cáo của World Bank năm 2015). Đến năm 2025, tổ chức này ước tính sẽ có thêm 1,4 tỉ người sinh sống ở các thành phố trên toàn thế giới, với mỗi người sản xuất khoảng 1,3 kg chất thải mỗi ngày – nhiều hơn gấp đôi mức trung bình hiện tại.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Những điều đặc biệt tại ngôi làng không rác ở Nhật Bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới