Thứ sáu, 19/04/2024 14:30 (GMT+7)
Thứ ba, 08/09/2020 07:00 (GMT+7)

Gò Cỏ giữ làng không rác

Theo dõi KTMT trên

Gò Cỏ là một ngôi làng nhỏ ven biển ở Quảng Ngãi, nơi lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng nghìn năm. Trong khi rác thải nhựa và những hệ lụy đang ở mức báo động thì tại Gò Cỏ, người dân đã và đang làm những điều nhỏ bé nhưng rất đáng trân trọng.

Báu vật Gò Cỏ

Làng Gò Cỏ nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 45 km về phía nam, ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu của UNESCO, đã đánh giá: Gò Cỏ là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh. Chính ông đã “chấp bút” thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị di sản Gò Cỏ.

Gò Cỏ giữ làng không rác - Ảnh 1
Làng Gò Cỏ nằm bên bờ biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

Làng Gò Cỏ với diện tích vỏn vẹn 105ha, nằm giữa hai đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài. Làng từng có lớp cư dân cổ, là chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm. Đến với Gò Cỏ, du khách dễ dàng bắt gặp những giếng đá, cầu đá, con đường đá, những căn nhà dựng bằng tranh... là đặc trưng tiêu biểu của người Chămpa mà cư dân làng chài đã gìn giữ từ 1.000 năm trước. 12 giếng xây dựng bằng đá, các đền thờ, miếu mạo, dinh từ thời Vương quốc Chăm cũng đã được tìm thấy ở đây.

Nếu cảnh quan Gò Cỏ nguyên sơ, mộc mạc “đốn tim” du khách thì người Gò Cỏ cũng khiến du khách “phải lòng” bằng tính cách thuần hậu, thật thà của mình. Người dân nơi đây vẫn giữ phương thức sản xuất và nét canh tác lâu đời truyền thống. Ông Phạm Mười, 67 tuổi kể, trước đây còn trẻ, ông theo các thuyền lớn đi Hoàng Sa, Trường Sa, về già thì gắn bó với thuyền nhỏ, không động cơ như ông bà xưa đi biển.

Gò Cỏ giữ làng không rác - Ảnh 2
Người dân nơi đây vẫn giữ phương thức sản xuất và nét canh tác lâu đời truyền thống.

“Tôi vẫn kiếm sống bằng nghề đánh cá. Tôi rời nhà lúc 3 giờ sáng và trở về lúc rạng sáng. Tôi có thể kiếm được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng từ việc đánh bắt mỗi ngày, nhưng có những ngày tôi chẳng kiếm được gì cả. Mùa mưa thì chúng tôi làm vườn, đan lát kiếm sống. Sau một ngày làm lụng, đánh bắt trở về bãi, người dân tụ tập để nghe điệu hát sắc bùa, hát đối, bài chòi. Hầu hết phụ nữ trong làng đều nấu ăn và hát rất hay” - ông Mười cho biết.

Đây là những tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Tháng 4/2019, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của làng Gò Cỏ, một điểm địa chất, văn hóa quan trọng nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Nhân rộng mô hình "làng không rác"

Dù là một làng chài nghèo ven biển những mỗi nhà ở Gò Cỏ đều có có ý thức phân loại rác, sử dụng các thùng riêng để đựng các loại rác khác nhau. Khắp đường làng sạch sẽ, không rác thải, được đánh giá là một điểm cộng của điểm đến. Kế hoạch này được thực hiện theo dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ với tổng trị giá 10.000 USD, nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường, hướng tới làng không rác do ông Guy Martini kêu gọi cho Gò Cỏ.

Gò Cỏ giữ làng không rác - Ảnh 3
Những ngôi nhà bằng gạch và tranh ở Gò Cỏ.

Mục tiêu của Dự án là trên 50% hộ gia đình làng Gò Cỏ thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, làm phân vi sinh; hướng đến việc cộng đồn làng Gò Cỏ “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tạo mô hình nhân rộng về “làng không rác”; tự cung cấp lượng phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt tại địa phương.

Dự án có 03 hợp phần: phân loại rác tại nguồn; làm phân Compost (phân hữu cơ); và kiểm toán rác thải. Theo đó, mỗi hộ dân làng Gò Cỏ được trang bị bộ thùng rác phân loại rác tại nhà (thùng chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế). Tất cả 69 hộ dân sẽ được tập huấn và được giám sát việc phân loại rác tại nguồn nhằm xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt hàng ngày, giảm tối thiểu lượng rác không phân hủy được ra môi trường.

Gò Cỏ giữ làng không rác - Ảnh 4
Người dân Gò Cỏ sáng chế dụng cụ âm nhạc từ những vật dụng bỏ đi.

Lượng rác hữu cơ thải ra hàng ngày tại hộ gia đình sẽ được ủ thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, bón cho cây trồng. Thu thập và phân tích chất thải để xác định số lượng và loại chất thải do cộng đồng dân cư thải ra ngoài môi trường; kiểm toán thương hiệu để biết được loại rác nào được ưa chuộng sử dụng nhiều nhất tại địa phương… đưa ra khuyến nghị cho những người có thẩm quyền về cách cải thiện hệ thống quản lý chất thải.

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, người dân làng Gò Cỏ cho biết, người dân ở đây vẫn giữ lối sống thân thiện với môi trường. Từ ngày làm du lịch, thì bà con càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn nếp sống xưa. Làm du lịch tại làng vừa phát huy giá trị văn hóa của vùng, vừa cải thiện đời sống của người dân địa phương.

“Bà con sống trước giờ vẫn là cuộc sống bình yên lưu giữ nếp sống cổ xưa, canh tác tự sản xuất và cách đối xử thân thiện môi trường. Từ khi có HTX thì bà con ý thức hơn, đầu tiên là vệ sinh môi trường, cảnh quan, phân loại rác thải tại nguồn và ủ chất thải hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, vật dụng trong nhà cũng đều từ thiên nhiên. ” - bà Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ.

Gò Cỏ giữ làng không rác - Ảnh 5
Và hào hứng với việc đi chợ bằng giỏ cói thân thiện với môi trường.

Khi giới thiệu về Gò Cỏ, ông Guy Martini, đã viết: “Người dân Gò Cỏ muốn tạo ra một hợp tác xã để phát triển làng của họ một cách bền vững bằng cách cung cấp một loại hình du lịch thông minh và tôn trọng tự nhiên. Trong tầm nhìn của họ về tương lai, dân làng biết rõ ràng họ muốn gì và không muốn gì. Họ thành lập hợp tác xã không phải để “kiếm thêm tiền” mà để con cái họ trở về làng và kiếm sống ở đây”. Chính cách suy nghĩ thuần hậu này mà người dân Gò Cỏ vẫn đang ngày đêm bền bỉ, gìn giữ và trân trọng những giá trị di sản, tự nhiên của vùng đất “kho báu” này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Gò Cỏ giữ làng không rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .