Những bước tiến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào tỉnh Nam Định
Tỉnh Nam Định quyết liệt tháo gỡ "điểm nghẽn" về kết nối giao thông huyết mạch và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Kết quả, tổng số dự án và số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh này đang tăng trưởng vượt bậc.
Thu hút đầu tư đang trên đà tăng trưởng mạnh
tỉnh Nam Định đang có những bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số dự án đầu tư vào tỉnh này tăng gấp 3,4 lần, tổng số vốn đăng ký tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án. Trong đó có 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 5.691,6 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Cụ thể: Có 21 dự án đầu tư được cấp mới (9 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 4.597,5 tỷ đồng và 123,8 triệu USD; 19 dự án đầu tư được điều chỉnh tăng vốn (12 dự án đầu tư trong nước và 7 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.094,1 tỷ đồng và 25,1 triệu USD.
Một số dự án tiêu biểu có mức vốn đầu tư lớn như: Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty CP Giấy GĐT, tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD tại Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh mở rộng; Dự án Nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN Dệt may Rạng Đông; Dự án của nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited (trụ sở ở Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh) tại KCN Dệt may Rạng Đông, tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Công nghệ XGIMI (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 30 triệu USD.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 748 doanh nghiệp và 52 chi nhánh, văn phòng đại diện đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký lên tới 27.349,3 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh này lên 13.175 doanh nghiệp và 959 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 142.898 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả như trên, tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đồng bộ các giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đáng chú ý, tỉnh này đã triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; đặc biệt là đối với hệ thống giao thông huyết mạch cùng các KCN, cụm công nghiệp (CCN) nhằm tăng tốc, đột phá trong thúc đẩy đầu tư.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” kết nối giao thông huyết mạch
Thời gian qua, Nam Định đã quyết liệt tháo gỡ nhanh "điểm nghẽn" về kết nối giao thông huyết mạch, liên vùng để gia tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Qua đó, từ ngày 30/6/2024, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua định bàn tỉnh này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, để kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng và phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển, tỉnh này đã đề xuất Chính phủ ưu tiên thúc đẩy đầu tư kết nối hệ thống cầu với Ninh Bình, Thái Bình. Sau khi kết nối, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương.
Đồng thời, tỉnh này cũng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án giao thông huyết mạch của địa phương như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II; các dự án xây dựng cầu Bến Mới, cầu Đống Cao, cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình; triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
Tỉnh cũng đôn đốc triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn; đề xuất Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) giai đoạn 1, từ TP.Phủ Lý đến TP.Nam Định.
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tỉnh Nam Định cũng đặc biệt quan tâm thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN, CCN nhằm sẵn sàng cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, CCN: Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) quy mô 502,31ha; KCN Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) quy mô 159ha; CCN Yên Bằng (Ý Yên) quy mô 50ha; CCN Thanh Côi (huyện Vụ Bản) quy mô 50ha; khởi công dự án đầu tư hạ tầng CCN Giao Thiện (huyện Giao Thủy) quy mô giai đoạn 1 khoảng 50ha.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6 KCN và 24 CCN đã được thành lập; theo dự kiến đến năm 2030 sẽ có 16 KCN được hình thành với tổng diện tích khoảng 2.546ha; 70 CCN được hình thành với tổng diện tích 2.604ha. Hiện tại, các nhà đầu tư cũng được hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư hàng loạt KCN, CCN trên địa bàn các huyện. Tiêu biểu như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Trung Thành quy mô 200ha và KCN Hồng Tiến quy mô 114ha ở huyện Ý Yên; triển khai lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu KCN Hải Long (huyện Giao Thủy) quy mô 1.100ha, KCN Nam Hồng (huyện Nam Trực) quy mô 200ha, KCN Minh Châu (huyện Nghĩa Hưng) quy mô khoảng 300ha, KCN Xuân Kiên (huyện Xuân Trường) quy mô 199ha.
Bằng việc tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh và thông thoáng kết hợp chủ động hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc về chính sách, tỉnh Nam Định đang ngày càng được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn là điểm đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh các dự án trọng điểm.
Sông Hồng