Nhiều rào cản trong phát triển năng lượng xanh
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bùng nổ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều vướng mắc trong cấp vốn cũng nhưng rào cản về pháp lý.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh” diễn ra ngày 29/12, ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho biết Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng có xem xét nhiều phương án phát triển nguồn điện, trong đó sẽ ưu tiên mạnh cho việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhưng sẽ được phân kỳ phù hợp để đảm bảo giá điện hợp lý.
Theo đó, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng dần theo từng năm, cụ thể công suất nguồn điện gió và điện mặt trời có tỉ trọng tăng dần từ 25% vào năm 2025, lên 27% vào năm 2030 và đạt tới 42% vào nằm 2045.
Tuy nhiên, đánh giá trong giai đoạn vừa qua, ông Đỗ Đức Quân cho rằng việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đã có những bất cập như giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển lúc thì nóng, khi thì lạnh.
Ông Quân lấy ví dụ, đối với điện gió, cơ chế khuyến khích phát triển điện gió ban hành năm 2011 và sửa đổi năm 2018, nhưng đến nay mới có khoảng 500MW điện gió đi vào vận hành, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 7 sửa đổi là 800MW vào năm 2020.
Trong khi đó, đối với điện mặt trời, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ban hành năm 2017 và năm 2020, nhưng đến hết tháng 10/2020 đã có 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000MW, vượt xa mục tiêu 850MW vào năm 2020. Nguyên nhân là do thiết bị chính trong nhà máy điện mặt trời giảm khá nhanh.
Một bất cập khác trong phát triển năng lượng tái tạo mà ông Quân nêu tại hội thảo đó là việc phát triển lưới điện phân phối truyền tải không đồng bộ với sự phát triển của các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến quả tải lưới truyền tải và giảm công suất phát của một số nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Tại hội thảo, ông Quân nhận định trong thời gian tới, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì Bộ Công Thương cần tập trung vào các nội dung chính, gồm chính sách, hạ tầng truyền tải phân phối và điều độ vận hành hệ thống.
Đại diện doanh nghiệp năng lượng, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, hiện tại việc tiếp cận nguồn vốn từ các nguồn tài chính để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề về thủ tục pháp lý. Tại Việt Nam có hơn 30 loại giấy tờ cần phải chuẩn bị, nếu là nhà đầu tư trong nước sẽ mất khoảng một năm, nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải mất khoảng 2-3 năm do không thông thạo thị trường.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn đầu tư từ các ngân hàng tương đối khó khăn trong khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong nước còn hạn chế. Từ những khó khăn trên, ông Huân đề nghị Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, có những hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, mặc dù đứng trước nhiều cơ hội đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững nhưng đây cũng là lĩnh vực đầu tư mới, hành lang pháp lý liên quan cũng được được cơ quan chức năng ban hành và hoàn thiện nên việc cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, vướng mắc về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư là yếu tố đầu tiên bởi nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư hiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn yêu cầu nguồn vốn tương đối lớn trong khi thời gian xây dựng và lắp đặt ngắn… Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác liên quan đến việc tính toán, dự báo sản lượng điện khi lập dự án, tiến độ hoàn thành dự án, việc vận hành dự án, việc đấu nối, truyền tải điện…
Nói về những khó khăn trong huy động nguồn vốn cho năng lượng tái tạo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro. Việc thẩm định các dự án năng lượng tái tạo do phải tuân thủ quy hoạch ngành có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao, năng lực yếu kém của một số chủ đầu tư, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là ngắn hạn, dự án gặp khó khăn về hạ tầng, đấu nối truyền tải điện dẫn đến không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện, chính sách phát điện chưa ổn định...
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện sẽ hồi phục và tăng trưởng với tốc độ 8 - 10% trong năm 2021. Điều này xuất phát từ việc các tổ chức nghiên cứu đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi tích cực trong năm 2021.
Với những dự báo này, theo Trung tâm điều tiết điện quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỉ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. Do đó, nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, đặc biệt là doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Hà My