Thứ bảy, 23/11/2024 06:07 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/04/2020 11:25 (GMT+7)

Nhiều ngân hàng 'bơm vốn' rẻ cứu thị trường vượt dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, khó khăn. Các ngân hàng đã đồng loạt tung gói vay tín dụng từ 10.000-25.000 tỉ đồng với mức giảm lãi suất 2-5%, miễn nhiều loại phí... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua đại dịch.

Nhiều ngân hàng 'bơm vốn' rẻ cứu thị trường vượt dịch Covid-19 - Ảnh 1
Nhiều ngân hàng "bơm vốn" rẻ cứu thị trường vượt dịch Covid-19.

Ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng cho giải pháp này.

Từ ngày 17/3/2020, NHNN giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm và hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động dài hạn từ 0,1-0,3%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng quy mô 10.000-25.000 tỉ đồng với lãi suất giảm mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

Mới đây, HDBank đã công bố những khoản vay hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng "giải cứu" doanh nghiệp. Cụ thể, gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm với lãi suất từ 6,5% mỗi năm, dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho các chuỗi siêu thị, gói 5.000 tỉ đồng tài trợ ưu đãi phê duyệt nhanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%, gói 3.000 tỉ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị, vật tư y tế. HDbank còn dành gói 1.000 tỷ đồng hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời tài trợ tín chấp cho chuỗi nông nghiệp nông thôn, đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo, tiếp sức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang khó khăn vì hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thêm vào đó, HDBank vừa triển khai giảm sâu lãi suất cho vay từ 2-4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nới lỏng điều kiện vay để giúp khách hàng dễ tiếp cậnh vốn, giảm nhiều loại phí...

Không chỉ HDbank, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỉ đồng với nhiều ưu đãi giảm lãi suất, phí dịch vụ. Đặc biệt ngân hàng đã giảm lãi suất vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. SHB tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch, miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu...

Cùng với đó, SHB đã và đang thực hiện phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ngân hàng đã giảm tối thiểu 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, miễn giảm các phí chuyển tiền liên ngân hàng...

Nhiều ngân hàng lớn khác cũng có những động thái hỗ trợ tương tự như giảm lãi, miễn giảm phí, nới điều kiện vay, chuẩn bị các gói tín dụng ưu đãi lớn... nhằm hỗ trợ vốn kịp thời và giúp doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau dịch.

Cụ thể, Vietcombank sẽ hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất chung đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian tới, Vietcombank sẽ có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm 2 - 2,5% so với mặt bằng hiện nay nhằm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm lãi vay tới 2,5%/năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 - 5%/năm. Nhà băng này tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9/2020). Với hàng loạt chính sách hỗ trợ này, Vietcombank ước tính sẽ giảm 300 tỉ đồng lợi nhuận, là cách chia sẻ với khách hàng vượt qua "bão" Covid-19.

Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Đức, Chủ tịch HĐQT Agribank cho biết đã yêu cầu các chi nhánh giảm lãi 1%/năm đối với vay nội tệ và 0,5%/ năm đối với vay ngoại tệ. Agribank cũng có văn bản đưa ra gói ưu đãi lãi suất 100.000 tỉ đồng, cam kết sẽ cùng với các ngân hàng thương mại triển khai các cơ chế, chính sách, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ từ 0,5 đến 1,2%/năm theo từng kỳ hạn. BIDV cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỉ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này.

Còn VietinBank cho biết từ ngày 31/3, ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các doanh nghiệp, người dân, và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Từ thời điểm công bố dịch (23/2) đến hết tháng 3, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5% một năm cho gần 3.000 khách hàng với tổng dư nợ 60.000 tỉ đồng. Đến nay, có khoảng 4.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ tín dụng trên 200.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng của Vietinbank.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ước tính sơ bộ khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 4 ngân hàng quốc doanh lớn (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank), chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới một số ngành như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ngân hàng 'bơm vốn' rẻ cứu thị trường vượt dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới