Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đăng kí thực hiện dự án đốt rác phát điện
Hiện tại có 5 doanh nghiệp (DN) đăng ký Sở Công Thương thực hiện dự án đốt rác phát điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, một số khu xử lý (KXL) rác sinh hoạt hiện hữu cũng xin tăng công suất để chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện.
Theo Sở Công thương, đốt rác phát điện là loại hình công nghệ mới, không cần phân loại rác đầu vào, không tốn nhiều diện tích đất chôn lấp mà còn tạo ra nguồn điện cho hoạt động của nhà máy và phát lên hệ thống lưới điện quốc gia nên được khuyến khích đầu tư, được hưởng cơ chế bán điện. Tuy nhiên, với số lượng dự án đăng ký nhiều, quy mô công suất lớn như hiện nay, để có cơ sở trình bổ sung các dự án này vào quy hoạch điện VIII cần phải xác định cụ thể nguồn rác cung cấp cho các dự án, quy hoạch số lượng khu/điểm hoặc dự án xử lý rác thải sinh hoạt trong tương lai.
Thêm 5 dự án đăng ký
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung cho biết, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII), còn hiệu lực.
Có 5 dự án mới đăng ký bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), trong đó dự án Nhà máy điện rác Quang Trung tại H.Thống Nhất đã được UBND tỉnh đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch điện VIII năm 2021 nhưng chưa được phê duyệt.
4 dự án còn lại các DN đề xuất gồm: Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại và sản xuất phân hữu cơ tại H.Định Quán (không ghi công suất); Nhà máy điện rác Doxaco tại H.Vĩnh Cửu quy mô 900 tấn/ngày; Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tỉnh Đồng Nai cũng tại H.Vĩnh Cửu công suất 1 ngàn tấn/ngày và dự án Nhà máy điện rác W2E tại H.Long Thành công suất 500-1.000 tấn/ngày.
Các dự án này mới ở bước 1, nhà đầu tư xin UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch bổ sung dự án điện, sau đó còn phải thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh, tỉnh thẩm định rồi đề xuất Bộ Công thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, hiện một số KXL chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cũng đang xin tăng công suất, chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Đó là KXL Vĩnh Tân xin tăng công suất từ 450 tấn lên 900 tấn/ngày, đầu tư lò đốt công suất giai đoạn 1 là 200 tấn/ngày, không thu hồi năng lượng và giai đoạn 2 là 400 tấn/ngày, có thu hồi năng lượng phát điện. KXL Đa Lộc xin nâng công suất từ 110 tấn lên 600 tấn/ngày đồng thời chuyển đổi công nghệ từ compost (sản xuất mùn phân) sang đốt rác phát điện. KXL Tây Hòa xin tăng công suất lên 600 tấn/ngày để thực hiện dự án đốt rác phát điện. KXL Xuân Mỹ cũng xin đốt rác phát điện.
Cần cân nhắc số lượng, quy mô dự án
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng: Thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư tiếp cận và muốn làm dự án điện rác ở Đồng Nai, tuy nhiên tỉnh ưu tiên các DN đã có dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Các DN này muốn tiếp tục tham gia xử lý rác phải đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về môi trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh cho hay: Mới đây HĐND tỉnh đã thông qua dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân quy mô giai đoạn 1 là 800 tấn/ngày và giai đoạn 2 nâng lên 1,2 ngàn tấn/ngày. Dự án đã có quỹ đất sạch, thời gian dự kiến khởi công năm 2023, đây là cơ hội cho các DN muốn làm điện rác trên địa bàn tỉnh tham gia đấu thầu.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở TN&MT rà soát, cung cấp thông tin dự báo khối lượng rác phát sinh, dự kiến quy hoạch các khu/điểm xử lý chất thải trong tương lai của tỉnh để nhà đầu tư cân nhắc đề xuất thực hiện dự án, tính toán quy mô công suất.
Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Trọng Toàn cho rằng: Hiện có 2 loại hình dự án đốt rác phát điện và không phát điện. Với dự án đốt rác không phát điện sẽ không cần bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và thủ tục cũng đơn giản hơn. Còn dự án đốt rác phát điện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bổ sung dự án vào quy hoạch dự án điện và thực hiện các thủ tục liên quan. Đa phần DN muốn làm dự án đốt rác phát điện vì có nguồn thu từ bán điện.
Theo ông Toàn, Sở TM&MT đang hoàn tất dự thảo đề án quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đề án này có đầy đủ thông tin về khối lượng rác thải hiện tại, dự báo phát sinh trong 5-10 năm tới; dự kiến quy hoạch 4 khu/điểm xử lý chất thải trong tương lai; các chính sách ưu tiên ưu đãi với nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý rác.
An Như