Thứ tư, 09/10/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ tư, 03/08/2022 07:00 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào cuộc, “cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?

Theo dõi KTMT trên

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở thương mại chiếm đa phần các dự án được doanh nghiệp mở bán, trong khi đó có rất ít dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đưa ra thị trường.

Khan hiếm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội nhưng đến nay tình trạng khan hiếm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chưa được cải thiện.

Từ nhiều năm nay, sự chênh lệch nguồn cung giữa các phân khúc bất động sản đang là vấn đề nóng của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở thương mại chiếm đa phần các dự án được doanh nghiệp mở bán, trong khi đó có rất ít dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đưa ra thị trường.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào cuộc, “cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả? - Ảnh 1

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở thương mại chiếm đa phần các dự án được doanh nghiệp mở bán. (Ảnh minh họa)

Tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8, nhiều “ông lớn” bất động sản đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên đến nay tình trạng khan hiếm dự án nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý 2 vừa qua, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành là 3 dự án với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận; bằng khoảng 75% so với quý I/2022 và tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Hiện số lượng dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên cả nước là 96 dự án với 123.514 căn; trong đó, riêng Bình Dương có 42 dự án; số lượng dự án bằng khoảng 98% so với quý I/2022 và bằng khoảng 102% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong quý vừa qua, chỉ có 4 dự án với quy mô 2.652 căn tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam được cấp phép mới; số lượng dự án bằng khoảng 133% so với quý I/2022 và so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào cuộc

Đứng trước sự chênh lệch về nguồn cung trên, một tin vui đến với những người có thu nhập thấp và thị trường bất động sản là tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" diễn ra sáng 1/8 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều "ông lớn" bất động sản đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.

Tham dự hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn. Ông cho biết, Tập đoàn Vingroup sẽ phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.

Chủ tịch Tập đoàn Novaland ông Bùi Xuân Huy cho biết, đối với chương trình "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ, Tập đoàn Novaland luôn xem đây là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.

Do đó, với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM, cùng các tỉnh, thành phố khác, Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động…

Còn ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đồng thời là chủ Tập đoàn Him Lam cũng cho biết, doanh nghiệp của ông sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Theo ông chủ doanh nghiệp này, hiện Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Mặt khác, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.

Chia sẻ thêm, ông chủ Tập đoàn Him Lam cho biết, hiện nay rõ ràng, các doanh nghiệp đều có "nghề", có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Ông Minh nêu quan điểm: "Quan trong nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy".

Với sự chung sức của các doanh nghiệp bất động sản lớn, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều dự án nhà ở giá rẻ được bán ra thị trường, giúp giải nhiệt "cơn khát" nhà giá rẻ của đại bộ phận người lao động làm công ăn lương và công nhân trên địa bàn cả nước.

Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ và 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào cuộc, “cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...