Xu thế bất động sản cuối năm 2022: Thiếu hụt nhà giá rẻ
Về thị trường 6 tháng cuối năm nguồn cung nhà ở cuối năm hơn chục nghìn căn sẽ chỉ tập trung phân khúc cao cấp, hạng sang, đẩy cơn khát nhà giá rẻ lên đỉnh điểm.
Thị trường sôi động, giá bán tăng cao
Tại Hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022", các chuyên gia cảnh báo từ nay đến tháng 12, thị trường nhà ở TP.HCM bước vào giai đoạn thanh khoản bị thách thức khi nguồn cung nhà giá cao tăng lên còn loại nhà ở nhiều người có nhu cầu thuộc phân khúc bình dân không có sản phẩm nào.
TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản cho biết, thị trường hiện tại nguồn cung thấp, giá bán còn cao nên thanh khoản đang hạn chế. Phân khúc cao cấp đối với các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Phân khúc thị trường trung cấp dành cho những đối tượng trẻ từ dưới 30-35 đang có nhu cầu rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm đối tượng này hạn chế hoặc rất ít sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của họ vì nguồn cung vướng pháp lý. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS vẫn sẽ diễn ra theo xu hướng như hiện nay.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, sự mất cân đối về nguồn cung tại TP.HCM ngày càng rõ, do chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao nên hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường thời gian tới chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Phân khúc tầm trung không có nguồn cung từ nay đến cuối năm nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.
Trong năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000-24.000 căn, trong đó hai quý đầu năm đã chiếm 50% nguồn cung này, phần còn lại sẽ được tung ra trong 6 tháng cuối năm. Nhưng rổ hàng này lại không có nhà ở bình dân khiến thị trường rơi vào tình cảnh khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ cuối năm nay.
Ông Kiệt cũng xác nhận, nhiều chủ đầu tư đang có kế hoạch tung các căn hộ hạng sang và siêu sang ra thị trường thời gian tới, có thể dẫn đến xác lập mặt bằng giá mới với các cột giá cao hơn trong tương lai.
Các chuyên gia CBRE và Savills đều nhìn nhận, nhóm khách hàng có nhu cầu nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất hiện nay đều rơi vào phân khúc bình dân nhưng họ gặp trở ngại không có sản phẩm giá vừa túi tiền. Nhóm khách hàng này tiết kiệm dư một tỷ đồng đã khó, nhưng với số tiền này họ cũng không dễ mua được nhà. Nếu vay thêm lại vướng vấn đề bị siết tín dụng. Do đó, khả năng mua nhà của nhóm khách hàng này rất khó. Nhà thuộc dự án mới khó mua vì giá cao, còn các dự án cũ giá thấp hơn lại gặp thách thức phải trả tiền một lần chứ không thể trả góp theo tiến độ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành xác nhận, thanh khoản nhà ở trên thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm có thể diễn biến theo chiều hướng kém khả quan. Nguyên nhân là tốc độ tăng giá nhà thời gian qua diễn ra quá nhanh và dồn dập, chủ yếu chỉ có giới đầu cơ hưởng lợi.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nghĩa, phân khúc nhà giá cao vẫn dồn dập ra hàng cũng khiến cho giới đầu tư bị dội giá. Người có nhu cầu thật buộc phải đứng bên lề thị trường nhà ở do thu nhập không đuổi kịp giá nhà. Những thách thức thanh khoản nhà ở kém có thể tăng dần thời gian tới.
Tiềm năng phát triển BĐS xung quanh TP.HCM không liên quan nghỉ dưỡng
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay không phải là năm thuận lợi cho thị trường bất động sản vì gặp phải hàng loạt khó khăn như pháp lý kéo dài, khó tiếp cận vốn vay, giá cao, thanh khoản đi xuống... Đây là giai đoạn thức tỉnh đối với các nhà đầu tư địa ốc. Những người mua lướt sóng đã chùn tay, chỉ còn lại sân chơi của nhà đầu tư dài hạn, có kế hoạch dòng tiền trung bình 3 năm trở lên. Khi càng khó khăn, phân khúc nhà ở vừa túi tiền đại diện cho nhu cầu thật, càng cần được thúc đẩy để cân bằng lại thị trường đang lệch pha cung cầu (thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá thấp).
Một chuyên gia khuyến nghị: "Vì vậy, sự khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ là một điểm yếu của thị trường cần sớm được khắc phục".
Theo TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính: Nếu quan sát thị trường từ năm 2016, đến năm 2019 chúng tôi đã có những lo lắng hơn mức bình thường những không ngờ những năm 2020-2021 lập mặt bằng giá mới ở một số khu vực do bản thân nó có tiềm lực, hạ tầng phát triển.
Cùng với sự phát triển đó có sự phát triển mạnh mẽ của khu vực thị trường phía Nam, hình thành các phong trào Homestay, Farmstay,… Hiện, những nhà đầu cơ trung hạn, nhà đầu tư bắt đầu quay về với thị trường đúng chất đầu tư là thị trường quanh TP.HCM với bán kính 30 km và nằm trong những khu vực động lực. Những khu vực động lực gồm những khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và những thị trường có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, đó là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ Long An đến Bà Rịa Vũng Tàu – đây là trục công nghiệp dịch vụ thương mại lấy tâm là TP.HCM. Và các đô thị xung quanh hưởng lợi từ Vành đai 3 như một phần Long An, Bến Lức, khu vực Cần Giuộc, Châu Đức,… Khu vực này sẽ tập trung từ 30-40 triệu dân, xung quanh TP.HCM.
Tương lai, các nhà đầu tư lướt sóng trung hạn, dài hạn sẽ tập trung đàu tư. Ít tiền thì tập trung Bến Lức có đất nền từ 12-14 triệu, nhiều hơn Nhơn Trạch hoặc chếch qua Long Thành,… xa hơn chút nữa thì có Châu Đức, Cẩm Mỹ. Còn với nhà đầu tư nhiều vốn có thể đầu tư tại khu vực quận 9, Thủ Đức. Căn hộ Thủ Đức mức giá 50 triệu đồng là trung bình, 60 triệu là mức chấp nhận được để đầu tư. Vị trí quận 9 là trung tâm của thành phố tương lai. Theo tôi, dòng tiền sẽ tập trung về những khu vực này.
Bùi Hằng