Thứ tư, 24/04/2024 21:45 (GMT+7)
    Thứ ba, 19/01/2021 16:57 (GMT+7)

    TP.HCM: Báo động tình trạng thừa nguồn cung nhà ở cao cấp

    Theo dõi KTMT trên

    Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo nhà ở năm 2020 với quan ngại thừa nguồn cung nhà cao cấp đang khiến thị trường bất động sản phát triển kém bền vững.

    Năm qua phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ngược lại, phân khúc căn hộ cao cấp đang có tỉ trọng rất lớn, tạo thêm khoảng cách lệch pha cung cầu, có nguy cơ gây bất ổn an sinh xã hội.

    Khảo sát từ thực tế dự án nhà ở đang chào bán trên thị trường, phân khúc cao cấp chiếm tỉ lệ khoảng 70%, đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020.

    Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự "lệch pha" sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.

    TP.HCM: Báo động tình trạng thừa nguồn cung nhà ở cao cấp - Ảnh 1
    Phân khúc cao cấp tại TP.HCM chiếm tỉ lệ khoảng 70%. (Ảnh minh họa: Internet)

    Trong năm 2020, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 31 dự án, giảm 16 dự án so với năm 2019. Về sản lượng nhà ở, thị trường ghi nhận 16.895 căn được huy động vốn, giảm 30,4% so với năm 2019.

    Nếu so sánh với thời hoàng kim của thập kỷ vừa qua, số lượng dự án nhà ở năm 2020 lao dốc kỷ lục so với năm 2017 (năm thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua với 130 dự án). Rổ hàng nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện chào bán ra thị trường 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng, trong đó nhà cao cấp chiếm 99%, nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỉ lệ 1%. Nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp tăng 15,9%, trung cấp tăng 66,2% còn nhà bình dân, giá vừa túi tiền 98,6% so với năm 2019.

    Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, nguyên nhân gây “lệch pha” cung - cầu là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp cũng khiến giá nhà “đội” lên cao. Trên địa bàn thành phố còn nhiều khu đất do Nhà nước quản lý được quy hoạch xây dựng NƠXH, thành phố muốn đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư nhưng không thực hiện được do chưa có quy định chi tiết các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH. Thực tế này dẫn đến lãng phí quỹ đất công và không thực hiện được việc xã hội hóa đầu tư xây dựng NƠXH…

    Để giải quyết tình trạng “lệch pha” cung - cầu, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho rằng: Chủ đầu tư phải cân đối, nghiên cứu kỹ thị trường; người mua nhà phải bình tĩnh, sáng suốt vì không phải đầu tư bất động sản lúc nào cũng có lãi. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có  thông báo chính thức để người dân, các chủ đầu tư biết để điều chỉnh thị trường, làm sao cho thị trường phát triển bền vững.

    Còn theo ông Lê Hoàng Châu, để khuyến khích các đơn vị tham gia phát triển phân khúc nhà ở giá thấp, ngoài việc tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thì thành phố cũng nên đề xuất quy định giá bán NƠXH do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư tại thời điểm tính giá bán. Không khống chế giá bán, lợi nhuận của chủ đầu tư khi bán 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó theo giá kinh doanh thương mại.

    Bên cạnh đó, thành phố đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa quy định trường hợp dự án dưới 10 ha chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH theo phương thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng NƠXH…

    Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Huỳnh Thanh Khiết cho biết, trong 5 năm tới, thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Thành phố cũng rà soát, sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại có diện tích hơn 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH cho thành phố. Việc phát triển nhà ở cần chuyển đổi mô hình từ nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại. Khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, nhất là các dự án NƠXH.

    Hà My

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Báo động tình trạng thừa nguồn cung nhà ở cao cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới