Thứ sáu, 22/11/2024 23:33 (GMT+7)
Thứ tư, 15/12/2021 12:00 (GMT+7)

Nhiều bất cập về ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo dõi KTMT trên

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Luật gồm 16 Chương, 171 Điều.

Cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường 2020, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, vẫn còn nhiều hạt sạn trong luật, thậm chí có điểm là bước “đột phá lùi”.

Cụ thể, quy định "đối với các thông số đã được quan trắc tự động liên tục thì không phải quan trắc định kỳ" tại điều 111 về quan trắc nước thải và điều 112 về quan trắc khí thải là bước... “đột phá lùi”.

“Vì nó ngược với các luật Bảo vệ môi trường trước đây, ngược với thế giới, ngược với khoa học. Những người làm môi trường ai cũng biết quan trắc tự động, liên tục từ cổ chí kim chưa bao giờ thay thế được quan trắc định kỳ đối với các thông số được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ban hành. Đơn giản là vì cho đến nay, trên thế giới quan trắc tự động chưa được công nhận là phương pháp tiêu chuẩn giống như phương pháp định kỳ”, TS Tùng cho biết.

Nhiều bất cập về ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Ảnh 1
Một số đại biểu, chuyên gia cho rằng quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong luật vừa thông qua là "bước thụt lùi". (Ảnh minh họa)

Theo TS Tùng, quan trắc tự động rất cần để theo dõi cảnh báo đối với nguồn thải lớn, nhưng không dùng để thanh tra xử phạt.

“Trên thế giới không luật bảo vệ môi trường nào dám quy định như luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa thông qua, kể cả ở những nước có công nghệ tiên tiến, nước phát triển. Ngay từ khi dự thảo, dù đã có nhiều ý kiến chuyên gia góp ý đề nghị bỏ, nhưng Bộ TN&MT vẫn cương quyết đưa vào”, TS Tùng nói.

Cũng theo TS Tùng, tại điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội.

Cụ thể, theo khoản 2 điều 38 dự thảo luật vừa được thông qua quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM "công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".

Như vậy, cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Việc công khai báo cáo ĐTM được đẩy sang vai chủ đầu tư dự án theo khoản 5 điều 37 của luật này.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) về những băn khoăn của một số đại biểu, chuyên gia cho rằng quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong luật vừa thông qua là "bước thụt lùi", Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề công khai báo cáo ĐTM đã được quy định ngay trong luật, các thông tin gì phải công khai. Và trong đó trách nhiệm của ai phải công khai, công khai bao giờ. Như vậy, báo cáo ĐTM thì luật lần này gắn trách nhiệm cho các chủ thể là doanh nghiệp.

Cơ quan Nhà nước thì đưa ra những quy chuẩn, chuẩn mực yêu cầu công tác quản lý đặt ra với dự án. Nên khi bắt đầu có dự án phát triển, đầu tư, từ khâu xin chủ trương, chuẩn bị tiền khả thi cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp đồng thời phải làm các báo cáo ĐTM.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm khi đã đưa báo cáo đó lên cho Nhà nước, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về công khai đó. Nhà nước sẽ công khai hội đồng thẩm định, kết quả thẩm định bao trùm cả ĐTM.

"Đấy là việc của Nhà nước, còn Nhà nước không đi làm thay việc của doanh nghiệp. Ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh

Luật quy định rằng doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Trách nhiệm của doanh nghiệp là lập báo cáo. Doanh nghiệp phải theo đúng các hướng dẫn của luật để nhận diện các tác động, xem xét các giải pháp. Và việc đó doanh nghiệp muốn có lợi phải tung báo cáo ra để xin tư vấn. Cái đó là bản thân doanh nghiệp phải làm.

"Doanh nghiệp sẽ không thể che giấu khi cơ quan Nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả. Thậm chí khi đã thẩm định xong báo cáo, sẽ chuyển ý kiến và công bố cho xã hội biết" - Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều bất cập về ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới