Thứ hai, 06/05/2024 03:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/04/2022 12:00 (GMT+7)

Nhiệt điện gặp khó khi "hụt" nguồn cung than, nguyên nhân do đâu?

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp than, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Thiếu hụt 1,36 triệu tấn than, nhiều tổ máy dừng và giảm phát

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn, và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

Cụ thể, trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ khoảng 76,8%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Ngoài ra, do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành một tổ máy ở mức 60 – 70% công suất, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong bốn tổ máy.

Nhiệt điện gặp khó khi "hụt" nguồn cung than, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Theo tính toán của EVN, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Mặt khác, theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Trong khi đó, thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc. 

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.

Thiếu than do đâu?

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có công văn gửi Bộ Công Thương báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện năm 2022.

Theo kế hoạch năm 2022, sản lượng than TKV phải cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 35 triệu tấn, gồm 20,92 triệu tấn than tiêu chuẩn Việt Nam và 14,08 triệu tấn than pha trộn giữa trong nước và than nhập khẩu.

Việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo khối lượng kế hoạch năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch. Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn.

Theo đó, việc không nhập khẩu được than theo đúng tiến độ, TKV cho hay - ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do đến ngày 2/3/2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.

Nhiệt điện gặp khó khi "hụt" nguồn cung than, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 2
Việc đảm bảo sản lượng than cho các nhà máy nhiệt điện phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch.

Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn.

Kèm theo đó là giá than thế giới tăng đột biến. TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II.2022. Tuy nhiên, do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ucraina làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu.

Thậm chí, có một số Nhà máy điện than (kể cả trong EVN và ngoài EVN) đã ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn với TKV, nhưng lại thường xuyên không đảm bảo thực hiện theo cam kết.

Khi nguồn bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV (lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng đã ký) dẫn đến tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất;

Ngược lại, khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi (mưa bão, lũ lụt...) thì lại quay về lấy than của TKV với khối lượng cao, đặc biệt trong điều kiện hiện nay giá than thế giới tăng đạt mức kỷ lục, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế này dẫn đến việc, nếu TKV không đưa vào kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thì sẽ không đủ nguồn than cung cấp cho các nhà máy điện, do đó dẫn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh than của TKV không ổn định, không đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài.

Do đó, TKV đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo các Nhà máy nhiệt điện tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký kết với TKV.

Ngoài ra, theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine trong những ngày từ cuối tháng 2 trở lại đây, khiến giá các loại nhiên liệu như dầu, khí, xăng và cả than ở nhiều thị trường quốc tế đã liên tục tăng cao.

"Việc vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều có nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, kể cả các chuyến tàu biển vận chuyển than. Điều này không chỉ làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường mà còn làm giá than quốc tế cũng đã tăng cao kỷ lục chưa từng có so với trước đây", doanh nghiệp này báo cáo.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Than đồng bằng Sông Hồng (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, để đảm bảo đủ than cung cấp cho các nhà máy điện, chỉ có một cách duy nhất đó là ký hợp đồng cung cấp than dài hạn. 

Thứ nhất, ngành khai khoáng cần có sự đầu tư dài hạn và chu kỳ kéo dài. Sản lượng khai thác lộ thiên đã giảm, hiện nay ngành than khai thác hầm lò là chủ yếu. Đầu tư hầm lò, ít nhất phải 5 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm thứ 6 may ra mới có sản lượng. Do đó, nếu không có sự ràng buộc bởi các hợp đồng dài hạn thì không ai dám bỏ tiền ra đầu tư.

Thứ hai, do không có hợp đồng cung cấp than dài hạn, cộng với việc thị trường nhiên liệu biến động liên tục, khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu than (TKV không phải ngoại lệ) đều nhập theo chuyến, không có doanh nghiệp nào nhập khẩu than theo hợp đồng dài hạn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt điện gặp khó khi "hụt" nguồn cung than, nguyên nhân do đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới