Thứ sáu, 29/03/2024 22:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/03/2022 11:00 (GMT+7)

TKV than khó, đòi tăng giá bán than: “Đã cảnh báo nhưng không ai nghe”

Theo dõi KTMT trên

Để đảm bảo đủ than cung cấp cho các nhà máy điện, chỉ có một cách duy nhất đó là ký hợp đồng cung cấp than dài hạn

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình sản xuất kinh doanh than và cung ứng than cho điện.

Theo TKV, do nhiều nguyên nhân nên ngay cả khi tập đoàn này tăng sản lượng than nguyên khai mà không có than nhập khẩu, hoặc than nhập khẩu về chậm, hoặc chất lượng không đảm bảo như kế hoạch thì khó có khả năng cung cấp đủ than cho các Nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, TKV còn kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá bán than trong nước, đặc biệt giá bán than cho các Nhà máy nhiệt điện.

TKV than khó, đòi tăng giá bán than: “Đã cảnh báo nhưng không ai nghe” - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Trước báo cáo và đề xuất của TKV, nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện ngành than phần nào giống câu chuyện xăng dầu. Rõ ràng, Việt Nam có thể khai thác than, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn than nhập khẩu. Ngoài ra, nếu tăng giá bán than sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả cũng cần phải xem xét.

Để có góc nhìn khách quan hơn về vấn đề này, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Than đồng bằng Sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Đã cảnh báo từ lâu

- Trước đây, có thời điểm Việt Nam xuất khẩu than lên đến 30 triệu tấn/năm, tại sao giờ đây chúng ta lại gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện, thưa ông?

TS.Nguyễn Thành Sơn: Việc TKV không cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ rất lâu rồi. Trong Tổng sơ đồ phát triển ngành than đã đề cập đến nguy cơ thiếu than phục vụ cho sản xuất. Ngay cả bản thân tôi và PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam (Hiệp hội Năng lượng) cũng đã cảnh báo, thế nhưng dường như không có ai lắng nghe.

Thực tế TKV và Công ty than Đông Bắc chỉ có thể cung cấp một nửa nhu cầu trong nước, một nửa còn lại phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Mà trong bối cảnh hiện tại, giá dầu thế giới liên tục tăng cao kỷ lục, căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã đẩy giá than tăng, nguyên nhiên liệu đầu vào cũng tăng theo.

Việt Nam có khoảng 100 công ty doanh nghiệp tư nhân đứng ra nhập than. Lúc giá than còn rẻ thì các doanh nghiệp rất tích cực nhập về, thế nhưng khi giá than tăng, những doanh nghiệp này đã giảm sản lượng nhập khẩu. Ngay cả bản thân TKV hay Công ty than Đông Bắc cũng nhập ít đi. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Cho dù các nhà máy nhiệt điện đang nhập hay không nhập than của TKV cũng có thể lâm vào tình trạng thiếu than phục vụ sản xuất.

Giải pháp căn cơ

- Theo ông, giải pháp nào có thể giúp TKV nói riêng và ngành than nói chung có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện?

TS.Nguyễn Thành Sơn: Để đảm bảo đủ than cung cấp cho các nhà máy điện, chỉ có một cách duy nhất đó là ký hợp đồng cung cấp than dài hạn. Từ trước đến nay ngành than rất muốn đề xuất giải pháp này với Chính phủ, thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vậy vì sao cần ký hợp đồng cung cấp than dài hạn?

Thứ nhất, ngành khai khoáng cần có sự đầu tư dài hạn và chu kỳ kéo dài. Sản lượng khai thác lộ thiên đã giảm, hiện nay ngành than khai thác hầm lò là chủ yếu. Đầu tư hầm lò, ít nhất phải 5 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm thứ 6 may ra mới có sản lượng. Do đó, nếu không có sự ràng buộc bởi các hợp đồng dài hạn thì không ai dám bỏ tiền ra đầu tư.

Thứ hai, do không có hợp đồng cung cấp than dài hạn, cộng với việc thị trường nhiên liệu biến động liên tục, khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu than (TKV không phải ngoại lệ) đều nhập theo chuyến, không có doanh nghiệp nào nhập khẩu than theo hợp đồng dài hạn.

TKV than khó, đòi tăng giá bán than: “Đã cảnh báo nhưng không ai nghe” - Ảnh 2
TS. Nguyễn Thành Sơn

Chúng tôi từng kiến nghị về việc ngành điện và ngành than phải ký với nhau những hợp đồng dài hạn để ngành than còn có động lực để đầu tư, có sản lượng, nhưng không đơn vị nào chịu làm, trong khi đây chính là đảm bảo an ninh năng lượng - một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đến bây giờ khi đối mặt với nguy cơ thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, mới thấy được tầm quan trọng của hợp đồng dài hạn.

Từ câu chuyện của ngành than, có thể nhắc tới câu chuyện xăng dầu trong những ngày qua. Trước đây, chúng ta có kho dự trữ xăng dầu quốc gia, trong trường hợp cần thiết có thể lấy ra sử dụng, nhưng sau năm 1986 chỉ có quân đội là có kho dự trữ xăng dầu phòng trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong khi trên thế giới, rất nhiều nước vẫn duy trì kho dự trữ xăng dầu đủ dùng trong 60 ngày, Trung Quốc thậm chí đủ dùng trong 90 ngày. Đây cũng là vấn đề cần phải lưu tâm.

Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng, sang nhập khẩu năng lượng từ năm 2008. Năng lượng ở đây là nói chung bao gồm cả than, dầu, điện. Chúng ta nhập nhiều hơn xuất, trong khi nhập khẩu năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Do đó, Nhà nước cần phải có tầm nhìn chiến lược, đưa ra những quyết sách lâu dài, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của thị trường năng lượng thế giới đến Việt Nam.

Câu chuyện độc quyền ngành điện

- Trước đề xuất của TKV về việc tăng giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện, một số ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại hầu hết các ngành kinh tế đang gặp khó chứ không riêng gì TKV. Nếu tăng giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện có thể dẫn tới giá điện tăng, kèm theo đó là hiệu ứng Domino, tác động trực tiếp đến nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

TS.Nguyễn Thành Sơn: Tôi đồng ý với quan điểm nếu tăng giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện thì giá điện cũng sẽ tăng theo, đồng thời tạo ra hiệu ứng Domino. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 30%, hi vọng tác động của việc tăng giá bán than không lớn.

Ở một góc nhìn công bằng hơn với TKV thì việc giá dầu thế giới tăng cao cũng kéo theo chi phí khai thác than tăng lên. Than cũng dùng điện, dầu để khai thác. Đó là chưa kể đến việc chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò - khó khăn hơn, chi phí nhiều hơn.

Than là đầu vào của ngành điện, ngành than hơn 10 năm nay đã thị trường hóa. Chưa bao giờ TKV được hưởng ODA, hoàn toàn tự xoay sở hết, không còn bao cấp. Bao cấp duy nhất của ngành than là mỗi năm được cấp 30 tỷ đồng cho trung tâm y tế ngành than, trước đây thì có một vài tỷ được cấp cho công tác đào tạo.

Trong khi đó, nhìn rộng ra một chút thì thị trường điện hiện nay rất không cạnh tranh (câu chuyện độc quyền), một mình EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) một chợ. EVN mua điện từ hơn 60 nguồn phát, rồi một mình EVN đứng ra bán, như vậy không có động lực để những nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào ngành điện. Thực tế, các nhà máy nhiệt điện của TKV, sử dụng than của TKV còn tương đối ổn định, vì gắn cùng với nguồn nhiên liệu, trong khi những nhà máy nhiệt điện khác rất bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường năng lượng thế giới.

Rõ ràng, đầu vào của ngành điện theo cơ chế thị trường rồi nhưng đầu ra của ngành điện vẫn mang tính độc quyền, không có tính cạnh tranh. Cơ chế thị trường chỉ tồn tại giữa việc thu mua điện của EVN với các nhà cung cấp. Điều này thực sự rất bất cập.              

Xin cảm ơn TS. Nguyễn Thành Sơn!

Hoàng Hải (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết TKV than khó, đòi tăng giá bán than: “Đã cảnh báo nhưng không ai nghe”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.