Thứ sáu, 22/11/2024 17:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/07/2020 10:16 (GMT+7)

Bán 36% vốn Nhà nước ở VTTC: Đâu phải chuyện riêng của TKV?

Theo dõi KTMT trên

Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2017-2020, tập đoàn sẽ phải thoái hết 36% vốn tại CTCP Du lịch và Thương mại- Vinacomin (VTTC, mã: DLT), chậm nhất vào cuối năm 2020. Song việc thoái vốn liên tiếp bị “đổ bể” do xuất hiện những chủ trương “lạ lùng” của lãnh đạo TKV.

Vì sao VTTC “sốt ruột” xin tăng vốn?

Ngày 25/4/2019, Đại hội cổ đông của CTCP Du lịch và Thương mại - Vinacomin diễn ra khá căng thẳng khi một số cổ đông không đồng tình với đề xuất tăng vốn điều lệ thêm 6,25 tỉ đồng lên mức 31,25 tỉ đồng của Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty.

Theo Tờ trình số 16/TTr-VTTC ngày 8/4/2019 gửi cổ đông, HĐQT Công ty VTTC đưa ra phương án phát hành chào bán riêng lẻ 625.000 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/CP) cho nhà đầu tư mới, tương ứng giá trị 6,25 tỉ đồng.

Việc phát hành tăng vốn này sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Tập đoàn TKV không nắm sở hữu 36% vốn Nhà nước tại VTTC và đang “nhùng nhằng” chậm thoái vốn nhiều năm qua.

Theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017, TKV sẽ thoái toàn bộ vốn tại VTTC, hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020. Từ năm 2018, TKV đã thực hiện các công việc để thoái 36% vốn tại VTTC song những phương án đưa ra đã vấp phải sự phản đối, bức xúc của một số cổ đông.

Cổ đông Vũ Mạnh Thắng đã gửi đơn khởi kiện ra TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội yêu cầu tuyên hủy Nghị quyết số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/4/2019 của Công ty VTTC. Ông Thắng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 01 của ĐHCĐ năm 2019 đã thông qua phương án tăng vốn thêm 6,25 tỉ đồng theo hình thức chào bán riêng lẻ của VTTC sẽ làm giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, đặc biệt làm thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có TKV khi tỉ lệ sở hữu giảm từ 36% vốn hiện tại xuống 28% sau tăng vốn.

Việc cổ đông lớn TKV bị giảm tỉ lệ sở hữu thấp hơn 36% vốn tại VTTC đồng nghĩa sẽ mất đi “quyền phủ quyết” đối với những vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp này. Và như thế, khi TKV thực hiện chủ trương thoái vốn, việc bán đấu giá cổ phần DLT sẽ kém hấp dẫn nhà đầu tư so với việc bán trọn lô 900.000 cổ phần tương ứng tỉ lệ 36% vốn VTTC hiện nay.

Một số cổ đông cũng phản ánh về những dấu hiệu bất thường của HĐQT và Ban giám đốc VTTC trong việc đề xuất tăng vốn, dẫn tới làm giảm tỉ lệ sở hữu của TKV xuống dưới mức 36% vốn. Đặc biệt là những Người đại diện vốn của TKV tại VTTC lại biểu quyết thông qua các tờ trình tăng vốn, Nghị quyết ĐHCĐ năm 2019-2020 mà có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị thoái vốn của TKV, tài sản đất đai của doanh nghiệp nếu thực hiện theo các “kịch bản” tăng vốn đã được nhóm cổ đông lớn vạch ra.

Chiêu thâu tóm tài sản đất “vàng” giá bèo

Trước đây, Công ty VTTC là doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% vốn của TKV. Trong quá trình cổ phần hóa, TKV đã bán cổ phần cho các cổ đông khác và hiện chỉ còn sở hữu 36% cổ phần tại đây. Nhưng TKV vẫn là cổ đông tổ chức lớn nhất, có Người đại diện vốn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tiếng nói quan trọng nhất, mà các nhóm cổ đông khác dù nắm tỉ lệ sở hữu chi phối vẫn khó có thể thao túng Công ty VTTC. Đặc biệt, các vấn đề lớn như đầu tư vốn, bán tài sản công ty sẽ không thể thực hiện nếu TKV bỏ phiếu “phủ quyết”.

Hiện nay, vốn điều lệ của VTTC rất khiêm tốn chỉ 25 tỉ đồng, song doanh thu hàng năm rất lớn. Trong năm 2018-2019, doanh thu đạt lần lượt 1.694 tỉ đồng và 1.783 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 13 tỉ đồng và 13,6 tỉ đồng. Tỉ lệ cổ tức 14% mỗi năm…

Đặc biệt, sức hấp dẫn của VTTC chính là tài sản khách sạn Vân Long tại trung tâm TP Cẩm Phả, Quảng Ninh toạ lạc trên khu đất “vàng” có diện tích 15.000m2, mà một số cá nhân đã nhăm nhe thâu tóm từ lâu.

Chủ trương thoái vốn ngoài ngành của TKV chính là cơ hội hiếm có để mua nốt 36% cổ phần DLT với giá thấp, qua đó thâu tóm các tài sản, khu đất khách sạn Vân Long được ước tính giá trị thị trường tới vài trăm đồng.

Bán 36% vốn Nhà nước ở VTTC: Đâu phải chuyện riêng của TKV? - Ảnh 1
Khách sạn Vân Long tại trung tâm TP Hạ Long toạ lạc tại khu đất “vàng” có diện tích 15.000m2, mà một số cá nhân đã nhăm nhe thâu tóm từ lâu.

Khi thực hiện thoái vốn tại VTTC, những động thái lạ của một số cá nhân đã hé lộ cách thức “lắt léo” để thâu tóm doanh nghiệp, tài sản Nhà nước.

Trong năm 2018-2020, TKV liên tục có các quyết định thay đổi Người đại diện vốn của tập đoàn tại VTTC từ các ông Lê Quang Bình, ông Vũ Văn Long, ông Nguyễn Văn Hải và từ 2/3/2020 giao cho ông Trần Thế Thành đảm trách, sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty VTTC.

Ngày 11/4/2019, TKV có văn bản số 1793/TKV-KS chỉ đạo Người đại diện vốn về các nội dung biểu quyết tại ĐHCĐ thường niên 2019 của VTTC, trong đó yêu cầu phải “thực hiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật, điều lệ công ty và các văn bản chỉ đạo của TKV có liên quan” về nội dung phát hành tăng vốn điều lệ.

Mặc dù ĐHCĐ năm 2019 đã thông qua tờ trình phát hành tăng vốn VTTC thêm 6,5 tỉ đồng nhưng đã không thực hiện được do cổ đông khởi kiện ra toà. Sang năm 2020, công ty này tiếp tục trình phương án tăng vốn thêm 8 tỉ đồng, lần này tỉ lệ sở hữu của TKV còn giảm xuống mức 27,27%, mất đi quyền “phủ quyết” quan trọng.

Đáng nói hơn, cách chào bán riêng lẻ 800.000 cổ phần sẽ vô tình xé lẻ cổ phần khiến cho lô cổ phần tương ứng sở hữu 36% vốn (trước khi tăng vốn) của TKV bị giảm giá trị, kém hấp dẫn. Bởi nhà đầu tư khác luôn muốn mua trọn lô 36% vốn của VTTC để có vị thế cao hơn khi chỉ nắm 28% vốn trong cán cân quyền lực tại doanh nghiệp.

Trước sự phản ứng dữ dội của một số cổ đông, bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc VTTC đã trình lên HĐQT Công ty và Tập đoàn TKV về phương án kéo dài lộ trình thoái vốn đến năm 2022. Theo đó, bà Nguyễn Đoan Trang muốn phân kì thoái vốn thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018-2020) sẽ giảm sở hữu của TKV xuống còn 29% và giai đoạn 2 (2020-2022) TKV sẽ thoái hết vốn về 0%.

Phương án “xé lẻ” cổ phần thoái vốn thành 2 lần này sẽ dẫn tới tình huống bất lợi cho TKV là lần bán đấu giá 7% vốn đợt 1 sẽ có giá trị vốn nhỏ, dễ bán, mà TKV sẽ lập tức mất đi vị thế của cổ đông lớn sở hữu 36%.

Hay tình huống đợt bán đấu giá 7% cổ phần sẽ có thể bị “ế” không có người mua, phải thực hiện đấu giá lại nhiều lần với giá khởi điểm chào bán bị giảm xuống thấp dần theo từng lần đấu giá, khiến giá trị vốn thu về của TKV bị giảm đi đáng kể.

Dù trong bất cứ kịch bản thoái vốn nào được đưa ra trong suốt 3 năm qua, lô 36% cổ phần VTTC đang được tìm mọi cách để trì hoãn việc bán ra thị trường và dường như bị “dìm giá” thấp, đồng nghĩa tài sản vốn và đất công sẽ bị bán rẻ hơn giá trị thực tế.

Càng lạ hơn, trước những động thái “mờ ám” của ban lãnh đạo VTTC trong quá trình thoái vốn có thể làm thiệt hại cho TKV, nhưng vì sao Người đại diện vốn của TKV lại vẫn đồng thuận? Ngay cả ông Lê Quang Dũng, Phó tổng giám đốc TKV cũng cho rằng việc tăng vốn của VTTC là “bình thường”, bất chấp phản ánh của cổ đông về nguy cơ thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Bán 36% vốn Nhà nước ở VTTC: Đâu phải chuyện riêng của TKV?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới