Sẽ xử lý hình sự nếu VNR không thu hồi 2 lô 'đất vàng'
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ bị xử lý hình sự nếu không sớm thu hồi 2 lô đất "vàng" tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) đã bị "bán chui" thông qua việc góp vốn, chuyển nhượng tài sản cho tư nhân mà không thực hiện đấu giá, đấu thầu.
Sẽ xử lý hình sự nếu không thu hồi 2 lô "đất vàng"
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông tin về kết quả xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Cụ thể, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: đồng ý về cơ bản với nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản 459 ngày 25/3/2020. Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến có căn cứ pháp lý của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4829 ngày 20/5/2020 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của Tổng công ty tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội); đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước, nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể xử lý đối với kiến nghị của Đường sắt Việt Nam: "Không thu hồi khoản 41,742 tỉ đồng về Quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính và không thu hồi khoản chi phí khấu hao tài sản cố định khi hạch toán chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 15 công ty quản lý đường sắt và Công ty Cổ phần Công trình đường sắt với giá trị 43,104 tỉ đồng...".
Toà nhà tại khu đất vàng 4 năm chưa thể thu hồi của Tổng Công ty Đường sắt. (Ảnh: Báo Lao động) |
Liên quan tới việc thu hồi quyền cho thuê 2 khu đất vàng tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, TP.Hà Nội, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đang tích cực thực hiện chỉ đạo của cơ quan thanh tra cũng như Bộ ngành trung ương.
Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa trên hai tuyến phố trung tâm của thủ đô Hà Nội nhưng suốt nhiều năm qua, công trình trên khu đất "vàng" trên đóng cửa im lìm, có dấu hiệu của sự hoang phế, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị…
Tài sản trên khu đất 80 Lý Thường Kiệt có diện tích 717,4m2 hiện có khách sạn 5 tầng do VNR đang quản lý, sử dụng theo nguyên trạng do đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước (28/8/1996) chưa có thủ tục thuê lại. Tại khu đất 22 Phan Bội Châu có diện tích 261m2, VNR quản lý dãy nhà để xe, thời hạn thuê đến 18/7/2015.
Vào tháng 10/2012, VNR đã có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại bằng quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới để đầu tư khách sạn là trái quy định.
Mặc dù VNR không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn tiến hành kí biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Hà Thành, thuê thẩm định giá (lợi thế, quyền thuê sử dụng đất và tài sản trên đất), đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất. Quá trình góp vốn, VNR đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỉ đồng là thiếu cơ sở. Trong khi đó đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là xấp xỉ 67,5 tỉ đồng... Sau khi góp vốn, doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả khi liên tục thua lỗ hàng tỉ đồng, đơn cử: 9 tháng đầu năm 2014 báo lỗ 2,571 tỉ đồng.
Lợi dụng thủ tục góp vốn đầu tư và chủ trương thoái vốn ngoài ngành, VNR đã nhanh chóng hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại 2 lô đất có tổng diện tích hơn 978,2 m2, là trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ và trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2016 chỉ rõ: VNR đã sử dụng 2 lô đất số 80 Lý Thường Kiệt (diện tích 717,4m2) và 22 Phan Bội Châu (261m2) để góp vốn đầu tư ngoài ngành sai quy định. Nhưng đến nay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa kiểm điểm trách nhiệm theo kết luận thanh tra.
"Đất vàng" đường sắt bị lãng phí
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước có giá trị rất lớn để đầu tư, vận hành, khai thác toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Hiện, VNR đang quản lý tới 297 nhà ga với tổng diện tích đất nhà ga, khu ga lên tới 9,4 triệu m2, trong đó có trên 10 khu ga nằm tại những vị trí đắc địa của các thành phố, đô thị lớn trên đất nước.
Về hiện trạng công trình, có tới 220 công trình kiến trúc đã quá niên hạn sử dụng, với hơn 45 nghìn m2, trong đó có 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Về hệ thống kho ga, bãi hàng, hiện cũng có hơn 38,5 nghìn m2, chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước.
Ga Đà Lạt ban đầu nằm trong tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt với tổng chiều dài 84 km. Sau một thời gian bị quên lãng, một phần tuyến đường chạy tới Trại Mát dài 7 km được khôi phục để phục vụ du lịch. (Ảnh minh họa) |
Được biết, vào tháng 1/2020, VNR đã kiến nghị Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho Tổng công ty. Theo đó, toàn bộ 297 ga, kho hàng, bãi hàng, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giao cho VNR theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phần tài sản kết cấu đường sắt còn lại gồm cầu, hầm, hệ thống đường ra, hệ thống thông tin tín hiệu... giao cho VNR quản lý, khai thác nhưng không tính vào vốn của doanh nghiệp.
Như vậy, các tài sản này do Tổng công ty đứng tên sở hữu và có thể chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải như: Phòng đợi, bãi hàng, kho... sẽ có các chức năng thương mại khác như: Siêu thị, cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, trước thực trạng quản lý, sử dụng các tài sản đất đai và công trình trên đất tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, vi phạm quy định pháp luật, gây ra sự lãng phí lớn, kém hiệu quả, có dấu hiệu thất thoát vốn, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của những lãnh đạo của VNR và vì sao việc xử lý thu hồi tài sản, vốn bị thất thoát chậm trễ?
Khu đất chung cư 31 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) trước đây thuộc quỹ "đất vàng" của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Cuối năm 2015, VNR chính thức chọn Sun Group để hợp tác đầu tư dự án tổ hợp thương mại, chung cư cao cấp. VNR đã được UBND TP.Hà Nội đồng ý chủ trương thực hiện dự án xây dựng tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê, khu tái định cư và hệ thống siêu thị của VNR. Diện tích khu đất quy hoạch hơn 9.800m2, gồm 4 tòa tháp cao 26 tầng, trong đó có 3 tầng hầm để xe, cung cấp hơn 715 căn hộ. Tuy vậy, sau đó kế hoạch bị trì trệ do vướng một số vấn đề liên quan tới việc giải phóng mặt bằng tổng thể và Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản bao gồm các khu "đất vàng" bị hợp thức hóa chuyển nhượng cho tư nhân. |
Nguyễn Luận