Nhật Bản quyết tâm trở thành nước đi đầu chống biến đổi khí hậu
Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định quyết tâm đưa Nhật Bản sẽ trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này với cam kết sẽ trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2050.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 19/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chủ trì hội nghị thúc đẩy chính sách về chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 diễn ra tại Văn phòng Thủ tướng.
Tại hội nghị, các chuyên gia và chính giới Nhật Bản đã thảo luận về các vấn đề như phương hướng của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 22-24/4 và một số vấn đề liên quan khác như tài chính bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Suga nhấn mạnh một trong những thành quả của chuyến thăm Mỹ vừa qua là việc hai nước Nhật-Mỹ đã nhất trí xây dựng “quan hệ đối tác về khí hậu,” thống nhất tăng cường hợp tác, đóng vai trò dẫn dắt tích cực tại một loạt các hội nghị quốc tế liên quan trong năm nay.
Thủ tướng Suga khẳng định quyết tâm đưa Nhật Bản sẽ trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này với cam kết sẽ trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2050 và đặt ra nhiều mục tiêu trung hạn tham vọng, phù hợp với chiến lược tăng trưởng và với tư cách là quốc gia hỗ trợ ngành sản xuất của thế giới.
[Australia áp dụng công nghệ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0]
Bên cạnh đó, để có thể thu hút được nguồn vốn của thế giới lên tới 3.000 tỉ yen (khoảng 28 tỉ USD), Thủ tướng Suga đề nghị các bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu thành lập Trung tâm tài chính quốc tế xanh, trên cơ sở tham vấn các ý kiến chuyên gia.
Tài chính bền vững được xem là một trong những phương thức quan trọng và hứa hẹn sẽ thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ cao.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Suga đề nghị xem xét lại mục tiêu cắt giảm khí thải carbon vào năm 2030 của Nhật Bản dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Mỹ sắp tới.
Trước đó, năm 2015, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã đưa ra cam kết Nhật Bản sẽ giảm mức khí thải carbon 26% so với năm 2013.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức cam kết đó là không thực tế vì năm 2013, lượng khí carbon của Nhật Bản thải ra môi trường là cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây do việc dừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 và được thay thế bằng các nhà máy nhiệt điện.
Phạm Tuân