Nhanh chóng đưa Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào cuộc sống
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021.
Nhiều thay đổi căn bản
Đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 của Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, hoạt động của Tổng cục môi trường có nhiều thay đổi căn bản so với năm 2019. Trong đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch… được quan tâm thực hiện tốt, đánh dấu bằng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới thể chế hóa chủ trương, quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững.
Tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án, nhiệm vụ, tỉ lệ giải ngân có nhiều chuyển biến tích cực. Đến tháng 3/2020, tổng cục đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt các dự án, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tỉ lệ văn bản xử lý chậm, muộn; hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết chậm, muộn được ghi nhận trong các báo cáo của bộ đã giảm đáng kể và chỉ còn hơn 1%.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, năm 2020, các tổ giám sát môi trường tiếp tục được duy trì đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường. Đặc biệt, tổng cục đã chủ trì, tổ chức hội đồng giám sát liên ngành và phiên họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau 3 năm triển khai.
Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc đã được Tổng cục Môi trường phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời. Tổng cụ cũng chủ động tham mưu để bộ xử lý nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh như Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại các xã Phú Phúc, Hòa Hậu (Lý Nhân - Hà Nam) chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Đoàn ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội tố cáo Công ty Cổ phần thiết bị môi trường 13 có hành vi vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển, xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại, rác thải y tế…
Đặc biệt, Tổng cục Môi trường đã có văn bản cũng như đăng tải trên trang thông tin điện tử để hướng dẫn, giải đáp các ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường.
Xây dựng kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, năm 2021, tổng cục cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đúng tiến độ trình các cấp để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thời gian tới, tổng cục phối hợp với các đơn vị trong bộ triển khai, tuyên truyền mạnh mẽ để thực thi như biên soạn giáo trình về môi trường có chất lượng tiên tiến để giảng dạy trong trường đại học đáp ứng tinh thần của luật mới, làm rõ mối quan hệ có tính chất giữa kinh tế và môi trường để áp dụng trong đánh giá tác động môi trường, tư duy một giấy phép…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề trọng tâm như tập trung lực lượng xây dựng hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước; xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển.
Với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tổng cục nên tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất, trong đó thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Tổng cục rà soát kỹ đối tượng để bảo đảm đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2021 các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cao.
Tổng cục cần tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt; triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn; mô hình phân loại tại nguồn, phân loại tập trung rác thải sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi vật chất, năng lượng từ chất thải rắn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết thêm, năm 2021, các nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục được thực hiện gồm tăng cường làm việc theo nhóm sinh hoạt chuyên môn tại các đơn vị, nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, trong đó trọng tâm là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; kiểm soát các nguồn thải lớn, nhất là các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí…
Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh cho rằng, năm 2021, Tổng cục Môi trường nên tập trung thanh tra chuyên đề hơn là thanh tra thường xuyên; lựa chọn cách thức, hình thức thanh tra, giám sát đảm bảo thời gian, chất lượng thanh tra ở các doanh nghiệp; cần xử lý nhanh thông tin qua đường dây nóng...
Minh Nguyệt