Thứ năm, 03/04/2025 10:39 (GMT+7)
Thứ ba, 17/11/2020 17:38 (GMT+7)

Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Theo dõi KTMT trên

Chiều 17/11, với 443 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 91,91% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gồm 16 Chương, 171 Điều.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi - Ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết. Riêng quy định thời điểm có hiệu lực về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, thực hiện sớm hơn so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Báo Nhân dân đưa tin, về phạm vi điều chỉnh, Luật mới thông qua lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là 1 chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Luật mới thông qua cũng quy định các tiêu chí về môi trường như quy mô, công suất, yếu tố nhạy cảm về môi trường... để phân loại dự án đầu tư thành các nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, Luật mới thông qua đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Đồng thời, Luật mới thông qua được thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Theo TTXVN, trước đó, nội dung về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại các phiên thảo luận.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi - Ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Giải trình về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện như tại Điều 29. Theo đó, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

Đối với các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Quy định tại Điều 29 là thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư công. Vì thế, để bảo đảm tính thống nhất, tại khoản 3 Điều 169 Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30 và khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Luật đã bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đáng chú ý, Điều 79 của Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh lập chuyên đề kiểm kê đất sân golf
Trong đợt kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai chuyên đề riêng về đất sân golf có nguồn gốc đất sân bay, khu vực sạt lở, bồi đắp và đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường...
Nhiều điểm mới trong quy định kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư quy định về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với thực tiễn quản lý và hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Tin mới

Lợi nhuận của FE CREDIT trở lại đường đua tăng trưởng
Năm 2024 đã kiểm toán, FE CREDIT đạt lợi nhuận trước thuế gần 515 tỷ đồng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu. Năm 2025, công ty tài chính tiêu dùng với thị phần lớn nhất Việt Nam xác định mục tiêu duy trì đà tăng trưởng và phát triển..
Vì sao vé xem DIFF luôn “hot” qua nhiều mùa?
Chỉ còn hai tháng nữa là Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 sẽ chính thức khai mạc. Rất nhiều du khách đã háo hức săn vé DIFF ngay từ lúc này để thưởng thức “đại tiệc ánh sáng” của thành phố bên sông Hàn.
Thay đổi công suất sản xuất và bổ sung sản phẩm: Dự án có phải xin cấp lại giấy phép môi trường?
Tình huống pháp lý của một công ty hoạt động sản xuất vật tư y tế đã được cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, nay có kế hoạch nhằm bổ sung thêm một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây.