Nhân loại khiến nhiều khu vực ven biển không thể phục hồi
Tác động của con người đối với các vùng ven biển của Trái Đất hiện rất nghiêm trọng và phổ biến. Nếu không có những thay đổi khẩn cấp, những tác động đối với đa dạng sinh học ven biển và xã hội sẽ càng trở nên sâu sắc hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Úc) và một nhóm chuyên gia quốc tế đã tiết lộ một thông tin đáng báo động: Nhân loại đang gây áp lực nặng nề lên gần một nửa khu vực ven biển trên thế giới, bao gồm một tỉ lệ lớn các khu bảo tồn, theo trang tin Conversation.
Những khu vực tiếp giáp giữa đất liền và biển đã hỗ trợ đa dạng sinh học và sinh kế của hàng tỉ người trên Trái Đất. Có tới 74% dân số thế giới sống cách bờ biển 50 km. Tuy nhiên, con người đã gây áp lực lên môi trường ven biển bằng nhiều cách.
Theo các nhà nghiên cứu, không một vùng ven biển nào không bị ảnh hưởng bởi con người. Đến nay, chỉ còn 15,5% vùng ven biển của Trái Đất vẫn còn nguyên vẹn.
Các vùng còn nguyên vẹn thuộc Canada, tiếp theo là Nga và Greenland, Úc, Indonesia, Papua New Guinea, Chile, Brazil và Mỹ.
Đáng lo ngại hơn, 47,9% các vùng ven biển đã phải chịu áp lực của con người ở mức độ rất cao. Đối với 84% quốc gia trên toàn cầu, hơn một nửa vùng ven biển của họ đã bị suy thoái.
Các vùng ven biển có cỏ biển, thảo nguyên và rạn san hô chịu mức độ tác động của con người cao nhất so với các hệ sinh thái ven biển khác. Một số vùng ven biển có thể bị suy thoái đến mức không thể phục hồi được. Các hệ sinh thái ven biển rất phức tạp và một khi bị mất đi thì khó có thể khôi phục trạng thái ban đầu.
Nhóm nghiên cứu đã công bố công khai tập dữ liệu của mình để các quốc gia nghiên cứu nhằm có các chính sách quản lý hiệu quả các khu vực nơi đất liền và đại dương hội tụ.
Giáo sư James Watson tại Đại học Queensland nhấn mạnh: "Tác động của con người đối với các vùng ven biển của Trái Đất hiện rất nghiêm trọng và phổ biến. Nếu không có những thay đổi khẩn cấp, những tác động đối với đa dạng sinh học ven biển và xã hội sẽ càng trở nên sâu sắc hơn".
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường biển trong những năm gần đây đã làm cho nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó, có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nguồn lợi hải sản bị khai thác ngày càng cạn kiệt cả số lượng và chất lượng. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn 3 triệu tấn như hiện nay. Kích thước trung bình của cá và tính đa dạng loài cũng giảm đáng kể.
Ở nhiều vùng biển đặc trưng, sự suy giảm nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học đã thấy rõ. Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2004. Đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển mà còn có tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo thống kê, tại Cát Bà có 196 loài cá biển, 132 loài san hô, 532 loài động vật đáy… sự đa dạng sinh học và nguồn lợi ven biển đóng góp lớn cho sự phát triển của Cát Bà. Tuy nhiên, khoảng gần 10 năm gần đây, một số nguồn lợi quan trọng tại đây đang ở tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Tương tự, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi vốn được ghi nhận là có tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học lớn, rạn san hô ở đây thuộc loại tốt nhất miền Bắc, với trữ lượng lớn, chỉ riêng khu vực Đông Bắc đảo - một khu vực nhỏ mà đã có đến hơn 80 loài được ghi nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, trữ lượng san hô cũng bị suy giảm mạnh, độ phủ của rạn ở nhiều nơi trước đây đạt đến 90%, nhưng đến nay những điểm tốt nhất chỉ còn 30 - 50%.
Ths. Hoàng Đình Chiều, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết: "Đa dạng sinh học có ý nghĩa lớn không chỉ với việc phát triển kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường. Do vậy, sự suy giảm về đa dạng sinh học là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đời sống của người dân, đặc biệt là những ngư dân kiếm sống nhờ nguồn lợi thủy, hải sản".
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Theo đó, cần kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…
Cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; Bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển.
Trong giai đoạn tới, cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; Xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển; Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.
Nguyễn Linh (T/h)