Nhân loại đang đối mặt với những hiểm họa thiên nhiên gì?
Trái Đất đang ấm lên ở mức chưa từng thấy, nguy cơ gây ra hệ quả thảm khốc như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt... trên khắp thế giới.
Trong nhiều thập kỉ qua, các trận động đất, sóng thần, hạn hán và lốc xoáy đã thường xuyên giáng xuống Trái Đất. Những thảm họa đó không chỉ cướp đi rất nhiều sinh mạng, mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề về vật chất.
Theo Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu tình trạng phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục diễn ra ở mức cao như hiện nay. IPCC nhấn mạnh, tương lai của Trái Đất phụ thuộc vào lựa chọn hiện tại của nhân loại.
“Bằng chứng ở khắp mọi nơi. Nếu chúng ta không hành động, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ”, Xuebin Zhang, nhà khí hậu học ở Toronto, Canada, một trong những tác giả của báo cáo nói.
Đây là báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu thứ 6 của IPCC kể từ năm 1990, với hơn 200 nhà khoa học tham gia soạn thảo trong nhiều năm và được 195 quốc gia phê duyệt trong cuộc họp trực tuyến hồi tuần trước.
Hiểm họa thiên nhiên và những con số đáng báo động
Chỉ khi lượng khí thải toàn cầu trở về mức 0 vào năm 2050, mục tiêu mà nhiều quốc gia cam kết, thế giới mới có thể đạt mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris năm 2015, đó là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Khí hậu mà con người sẽ trải qua trong tương lai, phụ thuộc vào quyết định ngay bây giờ”, Valérie Masson-Delmotte, nhà khí hậu học người Pháp, đồng Chủ tịch nhóm khoa học Vật lý tham gia soạn thảo báo cáo, nói.
Nhiệt độ bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn những năm 1850-1900, mức cao nhất kể từ cách đây 125.000 năm, trước kỉ Băng hà gần nhất, theo IPCC.
Mực nước ở các đại dương toàn cầu đã tăng khoảng 20 cm kể từ năm 1900. Các tảng băng vỡ vụn và tan chảy tại Nam Cực và đảo Greenland do nóng lên toàn cầu đã khiến cho mực nước biển tăng với tỉ lệ gấp 3 lần so với thập kỉ trước.
Mức độ bao phủ của băng ở Bắc Cực vào cuối mùa hè hiện đã thấp hơn mức trước đây ít nhất 1.000 năm. Sự biến mất của các sông băng là điều chưa từng có trong 2.000 năm.
Các đại dương đang ấm lên với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuối kỉ Băng hà gần nhất, cách đây 11.000 năm.
Báo cáo IPCC đề cập đến khí metan (CH4), khí thải nhà kính quan trọng thứ 2 sau CO2. Các nhà khoa học cho biết, mức CH4 trong khí quyển hiện nay là cao nhất trong 800.000 năm. IPCC đề cập đến những hệ quả biến đổi khí hậu cực đoan như nắng nóng, khô hạn và cả mưa lũ đều đạt mức kỉ lục.
Theo Zhang, nếu nhiệt độ tăng 2 độ C trong thế kỉ này, các hiện tượng khí hậu cực đoan vốn chỉ xảy ra 50 năm một lần, nay sẽ xảy ra mỗi 3-4 năm.
“Chúng ta không chỉ đối mặt với một mối đe dọa của biến đổi khí hậu, mà là một loạt những mối đe dọa xảy ra đồng thời”, Zhang nói.
Theo nội dung trong báo cáo, hiện tượng nước biển dâng cao là điều mà con người sẽ cảm nhận rõ rệt trong nhiều thế kỷ, thậm chí là cả thiên niên kỉ. Nếu giữ được mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C, mực nước biển tăng 2-3 mét trong 2.000 năm tới và tăng tới 6 mét nếu nhiệt độ tăng 2 độ C. Kết quả là cuộc sống của hàng trăm triệu người ở các vùng ven biển sẽ bị đảo lộn.
Báo cáo cảnh báo rằng, không thể loại trừ một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm những tảng băng khổng lồ biến mất, những cánh rừng khô cằn và sự thay đổi đột ngột của dòng chảy ở đại dương.
IPCC nhấn mạnh, điều không chắc chắn nhất trong tất cả các dự báo về biến đổi khí hậu là không ai chắc con người sẽ hành động như thế nào. Trong 3 thập kỉ qua, IPCC đã cảnh báo hiểm họa của hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhưng các quốc gia vẫn chưa có hành động cụ thể để hướng tới nhiên liệu sạch, ngừng phát thải nhà kính.
Linh Chi (t/h)