Nhận diện rõ thách thức để ứng phó với biến đổi khí hậu
Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng thích ứng với điều kiện mới và phát triển kinh tế.
Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt khi là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có ba mặt giáp biển, do đó, trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng… thì đây cũng là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhận diện những thách thức lớn đó, Cà Mau đã và đang tập trung nhiều giải pháp thích ứng để phát triển, cải thiện đời sống của người dân vùng chịu ảnh hưởng.
Nhiều bài học từ ứng phó với hạn mặn
Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, ba mặt giáp biển và cũng là địa phương duy nhất trong khu vực không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông đầu nguồn nên đời sống, sản xuất của người dân Cà Mau phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt hóa.
Trong những đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua, huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương nằm trong vùng ngọt hóa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Rút kinh nghiệm, nhiều bà con nông dân tại đây đã có ý thức hơn trong việc nạo vét kênh mương để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Ðặc biệt, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, người dân vùng ngọt hóa đã thắng lớn vụ lúa đông xuân cả về năng suất và giá cả. Theo thống kê, năng suất ước đạt gần 5,4 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn cho biết, theo dự báo của ngành chức năng thì mùa khô năm nay, tình trạng khô hạn, sạt lở, xâm nhập mặn có thể sẽ ít gay gắt hơn năm 2020.
Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan. Do đó, để chủ động sản xuất cho người dân, trong vụ đông xuân năm nay, huyện chia thành 3-4 đợt xuống giống theo từng khu vực, từ đó đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thi công nạo vét nhiều công trình thuỷ lợi, đang triển khai thi công 4 đập thép và 5 trạm bơm di động để khép kín các ô thuỷ lợi nhỏ.
Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ sản xuất vùng ngọt hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã xây dựng các phương án phòng, chống hạn mặn, qua đó đưa ra một số biện pháp tăng cường giám sát hạn mặn, xây dựng khung thời vụ sản xuất trong điều kiện hạn, mặn trên tất cả các loại cây trồng, vật nuôi.
Ðặc biệt, đối với cây lúa, dễ bị thiệt hại ở giai đoạn lúa trổ, chín và đối với rau màu, cây ăn trái, hướng dẫn người dân theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn.
Trong đợt hạn mặn của mùa khô 2019-2020, Cà Mau có hơn 20.800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã chủ động mua sắm hoặc được hỗ trợ dụng cụ chứa nước đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong mùa khô. Ðồng thời, người dân được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi sử dụng tiết kiệm nước…
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, đây là giải pháp tạm thời, hiệu quả tùy theo từng năm. Năm nào lượng mưa ít, vấn đề thiếu nước sản xuất, sụt lún đất vẫn có thể xảy ra.
Để đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thì vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau cần chủ động được nước ngọt, thay vì bị động như hiện nay. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đầu tư xây dựng hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé.
Tỉnh cũng mong muốn khi khép kín hệ thống cống này, có phương án dẫn nước ngọt từ sông Hậu về địa phương. Với phương án đó sẽ bảo vệ được hơn 120.000 ha đất sản xuất của bà con vùng ngọt hóa. Trong đó, có cả rừng U Minh hạ và việc hỗ trợ nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản cũng thuận lợi hơn.
Theo ghi nhận, hiện nay mực nước trong vùng ngọt hóa còn nhiều, đủ sức phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn, xâm nhập vẫn diễn biến khó lường, nên về lâu dài rất khó đảm bảo.
Bởi, một thực tế đã diễn ra trong những mùa khô hạn trước đây là nguy cơ xâm nhập mặn qua các hệ thống cống, đập thủy lợi.
Ðặc biệt, vào những tháng cuối năm, thuỷ triều ngoài biển thường dâng cao, trong khi nước trong nội đồng lại rút nhanh nên khả năng nhiễm mặn luôn rất cao.
Thực tế cho thấy, hệ thống cống của vùng ngọt hóa dù được đầu tư khá nhiều nhưng lại chưa có quy trình vận hành cụ thể, nước mặn vào - ra thường xuyên, kể cả trong mùa mưa nên không đảm bảo tháo úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa khô.
Trong khi đó, hệ thống đê bao trong vùng hiện nay hầu như không có, chỉ có các tuyến lộ chính đóng vai trò là bờ bao…
Bên cạnh đó, mùa mưa bão hằng năm, đường bờ biển của tỉnh hứng chịu xâm thực nặng nề. Không chỉ rừng phòng hộ bị sóng biển cuốn trôi mà nhiều đoạn đê biển Tây của Cà Mau cũng đặt trong tình trạng báo động.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, tình trạng này đã khiến cho hơn 20.000 ha lúa, hoa màu bị giảm năng suất, mất trắng mà hơn 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt và nhiều xã bị cô lập hoàn toàn vì sụt lún.
Không khó để nhận ra tần suất xuất hiện của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hoá khoảng 5 năm/lần, tình trạng này ngày càng tăng về cấp độ rủi ro và ngày càng khốc liệt hơn.
Điển hình như trong đợt hạn hán mùa khô năm 2015-2016, Cà Mau đã lần lượt ban hành các quyết định công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 trên cây lúa và cấp độ 2 trên tôm nuôi, ước thiệt hại trên 1.400 tỉ đồng.
Còn trong đợt hạn hán mùa khô năm 2019-2020, Cà Mau cũng đã ban hành quyết định tình huống thiên tai hạn hán cấp độ 2, tuy nhiên, nếu căn cứ vào đúng thực tế thì tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện rủi ro thiên tai cấp độ 3, gây thiệt hại cho nền kinh tế 1.125 tỉ đồng.
Dù hạn mặn có gay gắt hơn, nhưng theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình hình đã được cảnh báo sớm và đưa ra nhiều giải pháp phòng tránh, từ đó đã giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Nhận diện các thách thức lớn
Cà Mau có bờ biển dài 254 km, thời gian qua trên toàn tuyến bờ biển có khoảng 150 km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm sạt lở từ 20-50m vào đất liền, bình quân mỗi năm bờ biển của Cà Mau bị sạt lở mất khoảng 450 ha.
Cũng giống như nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long khác, tình trạng sạt lở bờ sông cũng là vấn đề lớn đặt ra với Cà Mau. Thực tế, trong hơn 10 năm qua, Cà Mau đã xây dựng được hơn 50km kè bảo vệ bờ biển.
Kết quả đạt được khá tốt, nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, chỉ mới bảo vệ được 20% chiều dài bờ biển.
Theo tính toán, với nguồn lực và tiến độ như hiện nay thì 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển.
Điều khó khăn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư; trong khi đó, các qui định pháp luật hiện hành quản lý rất nghiêm ngặt vùng ven biển, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết, vấn đề “giữ đất” của Cà Mau đồng nghĩa với giữ rừng. Hình ảnh “đất biết sinh, rừng biết đi” được biết đến trước đây giờ không còn phù hợp do tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Thực tế, trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển.
Do đó, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông chờ vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.
Như dự án điện gió góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển. Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn.
Hiện, hướng tiếp cận này được nhiều doanh nghiệp quan tâm lập dự án; nhất là dọc bờ biển Tây của Cà Mau. Qua đó, tỉnh Cà Mau sẽ giảm được áp lực đầu tư công vào các công trình đê kè ven biển.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc hiện nay là thủ tục cấp phép đầu tư gặp khó khăn do vướng mốc giới rừng. Thực tế, rừng không còn do đã bị sóng đánh tan; nhưng trên hồ sơ, mốc giới vẫn là rừng.
Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá đúng thực trạng rừng hiện nay, và tăng thẩm quyền, sự chủ động của địa phương hơn.
Với vị trí riêng biệt, Cà Mau là địa phương duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, do đó, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất chủ yếu từ nước trời. Hàng năm, lượng mưa bình quân đạt khoảng 2.350mm, năm cao nhất lên đến 2.800mm.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu có giải pháp quản lý tốt nguồn nước trời, có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm thì nguồn nước trời đủ đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là vẫn chưa có giải pháp hợp lý nên tình trạng thừa nước ngọt, gây ngập úng trong mùa mưa và tình trạng thiếu nước ngọt, gây sụp lún trong mùa khô diễn ra ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, các giải pháp công trình vẫn đang thiếu nên tình trạng triều cường gây ngập úng các khu đô thị, khu dân cư, gây thiệt hại đến sản xuất ngày càng nghiêm trọng. Một thực tế khác là hiện nay dù Cà Mau có lực lượng lao động lớn với gần 700.000 người. Tuy nhiên, có khoảng 200.000 người (chiếm gần 1/3 lao động của tỉnh) đang làm việc ở ngoài tỉnh.
Nguyên nhân lớn nhất là Cà Mau chưa có nhiều việc làm chất lượng và có thu nhập tốt; điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng logistics; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, bài toán thu hút đầu tư của Cà Mau trong những năm qua gặp nhiều khó khăn.
Hiện vẫn còn hơn 50% lực lượng lao động là lao động nông nghiệp. Trong khi nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản sinh thái có tính thời vụ và sử dụng không nhiều lao động. Nhiều vùng nông thôn của Cà Mau đối diện với thực tế không còn nhiều lao động trẻ tại chỗ.
Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho rằng, để thực hiện tốt bài toán giữ dân thì yêu cầu đặt ra là phải triển khai đồng bộ với việc phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng việc làm, an sinh xã hội. “Trong điều kiện địa phương chưa có nhiều việc làm tốt, cần chủ động thích ứng với hiện tượng di dân.
Theo đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tăng cường phân luồng và đào tạo nghề cần được ưu tiên hơn nữa. Giải pháp này giúp con em Cà Mau có được việc làm và thu nhập tốt hơn khi đi làm việc ngoài tỉnh.
Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin… giúp doanh nghiệp phát triển nhằm tạo việc làm tại chỗ và giữ dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, phân tích.
Huỳnh Anh