Thứ sáu, 29/03/2024 14:01 (GMT+7)
Thứ tư, 02/06/2021 06:00 (GMT+7)

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai

Theo dõi KTMT trên

Bài báo này trích dẫn kết quả tính toán cho Việt Nam và so sánh với một số nước để thấy rõ hiện trạng, mức độ vốn tài nguyên thiên nhiên hiện có, định hướng phát triển để nâng cao mức sống cho người dân.

TÓM TẮT

Từ những năm đầu Thế kỷ 21, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiến hành nghiên cứu, tính toán sự giàu có (wealth) của các quốc gia theo cùng phương pháp. Kết quả cho thấy sự phân bố, phân hóa của các quốc gia theo mức giàu có, tài sản, tài nguyên đã được ước tính bằng đơn vị tiền tệ (USD) trên đầu người. Bài báo này trích dẫn kết quả tính toán cho Việt Nam và so sánh với một số nước để thấy rõ hiện trạng, mức độ vốn tài nguyên thiên nhiên (vốn TNTN) hiện có, định hướng phát triển để nâng cao mức sống cho người dân, đồng thời không ngừng nâng cao tài nguyên quốc gia trong các giai đoạn tiếp theo. Trong tính toán mới nhất cho năm 2014 của WB, tổng mức giàu có của Việt Nam ước tính là 27.368  USD/người, thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, trong đó vốn tài nguyên thiên nhiên (vốn TNTN) đóng góp 9.381 USD/người. Tuy nhiên, so với tính toán cho năm 2005, Việt Nam có mức tăng trưởng khá nhanh cả về tổng mức giàu có, cả về các loại vốn (capital), trong đó có vốn TNTN (natural capital), vốn con người (human capital) và vốn sản xuất (produced capital). Trong bài viết này mới chỉ phân tích kỹ hơn về vốn TNTN, các vốn còn lại sẽ được phân tích ở bài viết khác. Nếu có chính sách phát triển đúng đắn, chắc chắn Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tốt để sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định.

GIỚI THIỆU

Năm 2006, WB đã xuất bản tài liệu: Where is the Wealth of Nations, Measuring Capital for the 21st Century giới thiệu phương pháp tính sự giàu có, các loại tài sản của một quốc gia thể hiện qua USD đầu người và ước tính các giá trị này năm 2000 cho nhiều quốc gia nhưng không ước tính cho Việt Nam [1]. Năm 2011, WB lại tiến hành nghiên cứu tính toán các thông số này cho năm 2005 của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và công bố trong ấn phẩm The Changing Wealth of Nations: Measuring Sustainable Development in the New Millennium [2]. Năm 2018 một ấn phẩm mới có tiêu đề The Changing Wealth of Nations 2018  lần nữa liệt kê kết quả tính cho năm 2014 và so sánh với kết quả trước đó [3]. Năm 2008, Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (DERG), Đại học Copenhagen đã cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội, Việt Nam tiến hành ước lượng giá trị vốn nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, loại hàng hóa đặc biệt vì không phải do sản xuất mà có. Tài nguyên thiên nhiên mang lại lợi nhuận kinh tế - nguồn lợi – nếu được quản lý và sử dụng hợp lý. Những khoản tiền “thuê” này là nguồn tài chính quan trọng cho các nước nghèo [1]. Giá trị tài nguyên được ước lượng dựa theo giá trị hiện tại ròng của các luồng thu  nhập do các tài nguyên này tạo ra (nguồn lợi tài nguyên). Do vậy, giá trị vốn nguồn tài nguyên được xác định dựa vào giá trị mà nhà đầu tư sẽ trả để “thuê” tài nguyên căn cứ vào triển vọng thu nhập. Với việc xem xét thước đo giá trị các nguồn tài nguyên quan trọng khác của Việt Nam như vốn nhân lực và vốn sản xuất, người ta có thể đánh giá xem liệu Việt Nam có phát triển theo hướng bền vững hay không bằng việc quan sát diễn biến giá trị các nguồn tài nguyên theo thời gian [4].

Nhìn chung, các phương pháp ước tính đã được sử dụng xuyên suốt các nghiên cứu nêu trên và được trình bày liên tục trong từng ấn phẩm. Ở Việt Nam một số tác giả cũng đã áp dụng các phương pháp này để tính  sự giàu có, các loại tài sản, vốn tài nguyên của một số địa phương như Hà Nội [5], Quảng Trị [6]. Tuy nhiên, một số khó khăn gặp phải trong quá trình tính toán các thông số này đã hạn chế việc áp dụng rộng rãi cho các địa phương khác. 

Bằng phân tích, so sánh kết quả tính toán qua từng năm, có thể chỉ rõ xu thế biến đổi của  vốn TNTN (natural capital), và các vốn thành phần của nó. Qua đó cho thấy Việt Nam có mức tăng trưởng của tổng tài sản và giá trị các vốn thành phần khá cao, nếu phát triển đúng hướng thì trong tương lai không xa có thể đạt mức quốc gia có tổng tài sản ở mức trung bình cao.

I. TĂNG TRƯỞNG VỐN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Do nhiều lý do mà tổng tài sản và các giá trị vốn TNTN của Việt Nam chưa được tính cho năm 2000. Trong các nghiên cứu tiếp theo, đã tính giá trị này cho Việt Nam các năm 2005, 2014. Các giá trị này của Việt Nam và của một số nước (để so sánh) được chỉ ra trên bảng 1.

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 1

Theo quan điểm kinh tế thì vốn tài nguyên là phần tài nguyên đã và đang được khai thác, cho giá trị kinh tế (tính được bằng tiền), không kể đến tài nguyên tiềm năng. Chính vì vậy mà tài nguyên tiềm năng của Nga rất to lớn nhưng vốn tài nguyên cũng rất khiêm tốn chỉ là 46.921 USD/người (năm 2014). Với quan điểm này, vốn tài nguyên của một quốc gia có thể thay đổi phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng chúng như thế nào. Nếu tài nguyên được khai thác hợp lý thì giá trị kinh tế, vốn tài nguyên sẽ tăng lên, còn nếu khai thác trắng, khai tác tận diệt thì giá trị sẽ giảm đi rất nhiều. Rất may là trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2014 Việt Nam đã khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên của mình nên vốn tài nguyên thiên nhiên đã tăng lên với tốc độ rất cao, tăng đến 158,4% từ 3.630 USD/người lên 9.381 USD/người. Vì vậy, rất cần phân tích sâu hơn lý do tăng trưởng nhanh vốn TNTN trong thời gian qua và có kế hoạch để tiếp tục duy trì tăng trong những năm sau đó. Quốc gia có mức tăng trưởng vốn TNTN ấn tượng nhất (ở bảng trên) là Lào, nước láng giềng của Việt Nam, lên tới 408,3% (năm 2014 so với 2005). Tổng vốn TNTN đầu người của Lào đã vượt xa Việt Nam, đạt 22.590 USD/người (2014) gấp 2,4 lần giá trị của Việt Nam. Tính cho năm 2014 đối với các nước ở bảng trên, Bangladesh là nước có tổng vốn TNTN thấp nhất, chỉ đạt 2.234 USD/người, tiếp đến là Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước giàu với vốn con người, vốn sản xuất lớn còn Bangladesh, Ấn Độ và Philippines vẫn còn nghèo nên phải chú trọng nâng cao vốn TNTN hơn nữa. Na Uy là nước có vốn TNTN rất cao, mặc dù giá trị năm 2014 giảm 6,3% so với năm 2005 nhưng vẫn đạt 103.184 USD/người.

Tất nhiên, khi xét vốn TNTN đầu người phải tính đến quy mô dân số và tỉ lệ tăng dân số. Từ bảng 1 cho thấy, Ấn Độ là nước đông dân thứ 2, lên tới 1.295.291.543 người (năm 2014), chỉ sau Trung Quốc và mức tăng dân số cũng cao, năm 2014 tăng 18,3% so với 2005 trong khi mức tăng dân số cùng kỳ của Trung Quốc chỉ là 4,6%. Nhật Bản, một trong những nước có mức tăng dân số âm giai đoạn 2005 - 2014 cùng với những nước có mức tăng dân số cùng kỳ chậm như Nga (0,5%), Trung Quốc, Thái Lan (5,4%) sẽ có khả năng tăng trưởng nhanh vốn TNTN đầu người trong giai đoạn tới. Việt Nam đã có chính sách kiểm soát tốt mức tăng dân số nên mức tăng này chỉ là 9,2% giai đoạn 2005 - 2014, bằng phân nửa mức tăng của Philippines, Malaysia.

II. TĂNG TRƯỞNG CÁC THÀNH PHẦN CỦA VỐN TNTN

Trong tài liệu của WB, vốn TNTN được chia thành các loại chính sau: tài nguyên gỗ, tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, tài nguyên khu bảo tồn (hoặc khu được bảo vệ), tài nguyên đất trồng trọt, tài nguyên đất chăn nuôi và tài nguyên trong lòng đất (chủ yếu là khoáng sản).

Giá trị tổng vốn TNTN và các thành phần của nó tính cho năm 2014 được cho trong bảng 2.

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 2

Từ bảng 2 cho thấy, trong các nước được liệt kê, vốn tài nguyên gỗ của Malaysia có giá trị lớn nhất, lên tới 6.339 USD/người, tiếp đến là Lào, Nga và Na Uy. Tuy nhiên, nếu xét về vốn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ thì Mỹ là quốc gia có mức vốn lớn nhất: 6.158 USD/người, cao gấp 9,8 lần vốn tài nguyên gỗ, tiếp đến là Na Uy với mức vốn 4.160 USD/người, cao gấp 4,7 lần vốn tài nguyên gỗ. Các nước Nhật, Nga cũng có vốn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ lớn hơn vốn tài nguyên gỗ. Tài nguyên gỗ ở Việt Nam, vốn được coi là rừng vàng, chỉ ở mức rất khiêm tốn: 430 USD/người còn vốn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ chỉ bằng khoảng 23,7% vốn tài nguyên gỗ. Phải chăng chúng ta phải nghiên cứu rõ vốn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ bao gồm những sản vật gì mà nhiều nước đạt mức rất cao trong khi ở Việt Nam lại quá thấp. Liệu ngành Lâm nghiệp Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để đưa cả hai loại vốn của ngành tăng cao trong thời gian tới.

Các khu bảo tồn, khu vực được bảo vệ cũng được đánh giá rất cao về khả năng đóng góp cho GDP của các quốc gia. Nhìn vào bảng 2 có thể thấy Na Uy có vốn tài nguyên khu bảo tồn lớn nhất vượt trên 10.000 USD/người, tiếp đến là Lào, Nga, Thái Lan, Mỹ đều có mức vốn trên 1.000 USD/người trong khi vốn này của Việt Nam chỉ là 171 USD/người. Liệu Việt Nam có thể mở rộng, thành lập thêm nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển… để gia tăng nguồn vốn này hay không luôn là nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp và của các địa phương trong cả nước.

Vốn tài nguyên đất trồng trọt có sự khác biệt lớn giữa hai nước thuộc loại giàu là Na Uy và Nhật Bản với các nước có thu nhập chưa cao ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Việt Nam. Hai nước giàu này có mức vốn tài nguyên đất trồng trọt thấp, chưa đến 1.000 USD/người, trong khi giá trị vốn này của các nước Đông Nam Á cao hơn nhiều. Nhìn vào bảng trên có thể thấy một số nước cần nâng cao loại vốn này để đảm bảo nguồn lương thực cho mức dân số cao của mình, đó là Ấn Độ và Bangladesh. Mặc dù mức vốn tài nguyên đất trồng trọt của Việt Nam khá cao 5.658 USD/người và là nước xuất khẩu gao lớn, song chúng ta vẫn có khả năng chuyển đổi loại cây trồng, áp dụng công nghệ cao để có năng suất, giá trị sản phẩm (gao, hồ tiêu, cà phê,…) cao hơn làm gia tăng thêm vốn này trong tương lai.

Từ bảng 2 cũng cho thấy, Na Uy có vốn tài nguyên đất trồng trọt thấp nhưng lại có vốn đất chăn nuôi cao. Đồng cỏ và chăn nuôi gia súc là xương sống của nông nghiệp Na Uy, vì các sản phẩm của gia súc đã đóng góp gần 50% tổng thu nhập của ngành nông nghiệp. Khoảng 2/3 diện tích nông nghiệp được sử dụng làm đồng cỏ tạm thời và lâu dài, và một tỉ lệ lớn (40%) đất canh tác được sử dụng để sản xuất ngũ cốc làm thức ăn tinh cho gia súc. Năng suất đồng cỏ và chất lượng thức ăn thô xanh vẫn được giữ nguyên trong các thập kỷ gần đây và giá trị sản xuất của động vật (ví dụ: năng suất sữa trên mỗi con bò) đã tăng lên đáng kể. Có lẽ Na Uy nhận ra thế mạnh của chăn nuôi nên đã dành quỹ đất lớn để phát triển. Hiện tại, Việt Nam không có đồng cỏ lớn nhưng có thể chuyển đổi một số đất trồng trọt năng suất thấp để phục vụ chăn nuôi như các trang trại nuôi bò sữa hiện nay sẽ cho hiệu quả cao hơn rất nhiều và cũng để tăng vốn đất chăn nuôi.

Bảng 2 còn cho thấy vốn tài nguyên dưới lòng đất của Na Uy và Nga rất lớn, tương ứng là 83.251 USD/người và 38.247 USD/người, các nước còn lại đều có mức vốn tài nguyên này dưới 10.000 USD/người. Nhật Bản và Bangladesh có vốn tài nguyên dưới lòng đất rất thấp, tương ứng là 43 USD/người và 85 USD/người. Trong các nước Đông Nam Á, Malaysia có vốn tài nguyên này cao nhất, 7.894 USD/người, tiếp đến là Lào, Việt Nam, còn Thái Lan và Philippines có mưc vốn khá hạn chế, đều dưới 1.000 USD/người.

Hình 1 đã chỉ ra tỉ lệ các vốn tài nguyên thành phần trong tổng vốn TNTN của một số quốc gia gần Việt Nam. Tỉ lệ vốn đất trồng trọt của các nước Bangladesh, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chiếm tỉ lệ cao, đều trên 60% tổng vốn TNTN quốc gia. Vốn tài nguyên rừng (tính cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ) thì chỉ Malaysia có tỉ lệ cao trong tổng vốn TNTN (31% với 8.925 USD/người), tiếp đến là Lào (8,3% với 1.878 USD/người), Thái Lan (6,8% với 689 USD/người) và Việt Nam (5,7% với 552 USD/người). Hai nước có tỉ lệ đóng góp vốn tài nguyên lâm nghiệp thấp là Bangladesh (0,45 % với 10 USD/người) và Trung Quốc (3,6% với 547 USD/người).

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 3

Hình 1. Tỉ lệ vốn TN thành phần trong tổng vốn TNTN (theo số liệu năm 2014)

Tỉ lệ vốn tài nguyên vùng bảo tồn của Lào trong tổng vốn TNTN khá cao (40%), tiếp đến là cá quốc gia Philippines, Malaysia và Thái Lan. Các nước có tỉ lệ này thấp bao gồm Bangladesh (chỉ chiếm 1,3%), Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài Na Uy, các nước liệt kê trên bảng 2 đều không có thế mạnh về vốn tài nguyên đất chăn nuôi, nước có tỉ lệ vốn này trên tổng vốn TNTN cao nhất là Bangladesh đạt 27,2% nhưng giá trị vốn trên đầu người chỉ là 609 USD/người, thua xa các nước có mức tỉ lệ thấp hơn như Trung Quốc, Lào. Nếu xét về tỉ lệ vốn tài nguyên trong lòng đất thì Trung Quốc có mức tỉ lệ cao nhất (30,1%), tiếp đến là Malaysia (27,2%), Việt Nam (27,1%) và Lào (16,5%) nhưng nước có giá trị vốn này cao nhất lại là Malaysia (7.894 USD/người), tiếp đến là Trung Quốc (4.556 USD/người), Lào (3.724 USD/người) và Việt Nam (2.533 USD/người). Tài nguyên gỗ của Lào chiếm tỉ lệ không cao nhưng rất có thể nước này giảm khai thác và chuyển nhiều diện tích rừng khai thác thành khu vực được bảo vệ.

So sánh thay đổi của các vốn TNTN thành phần giai đoạn 2005 - 2014 cho thấy, nhiều nước có mức tăng trưởng dương rất cao, nghĩa là vốn tài nguyên tăng lên rất nhiều.

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 4

Hình 2. Tăng trưởng các vốn TNTN thành phần giai đoạn 2005 – 2014 của một số nước (USD/người)

Chẳng hạn, vốn TN khu vực đươc bảo vệ của Lào đã tăng tới 8.480 USD/người giai đoạn này, vốn TN đất trồng trọt của Lào cũng tăng 4.629 USD/người. Điều đó chứng tỏ nỗ lực rất lớn của nước này trong công tác bảo tồn thiên nhiên, duy trì và thành lập mới nhiều khu vực đươc bảo vệ cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Malaysia có tới 4 loại vốn có mức tăng trưởng lớn, đó là vốn tài nguyên gỗ (5.768 USD/người), vốn lâm sản ngoài gỗ (2.400 USD/người), vốn TN khu vực đươc bảo vệ (2.574 USD/người) và vốn TN đất trồng trọt (7.241 USD/người). Đây là cố gắng rất lớn  của Malaysia trong việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng các tài nguyên tái tạo: rừng, đất trồng. Tuy nhiên, vốn TN trong lòng đất lại có sự giảm mạnh (tăng trưởng âm), giảm tới 2.208 USD/người giai đoạn 2005 - 2014. Thật ra vốn này giảm có hai nguyên nhân, một là giảm khai thác và hai là tài nguyên này đã bị cạn kiệt. Nếu do giảm khai thác thì có thể coi đây là chiến lược của quốc gia này thiên về dự trữ để khai thác trong tương lai. Nếu vì tài nguyên lòng đất bị cạn kiệt thì phải tích cực tìm kiếm thêm trữ lượng mới và nguồn tài nguyên khoáng sản khác.

Trung Quốc là nước có tất cả vốn TNTN thành phần đều tăng trưởng dương giai đoạn 2005 - 2014 nhưng mức tăng của tài nguyên gỗ rất ít, chỉ 27 USD/người. Ba mức tăng lớn bao gồm vốn TN đất trồng trọt (4.592 USD/người), vốn TN trong lòng đất (3.752 USD/người) và vốn TN đất chăn nuôi (1.763 USD/người). Là đất nước đông dân nhất hành tinh mà giữ mức tăng trưởng lớn như vậy là điều đáng khâm phục, bảo đảm duy trì được vốn TNTN lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Trong số các nước liệt kê trên bảng 2 có 2 nước với mức thay đổi vốn TNTN thành phần không cao, tăng giảm chỉ trong khoảng vài chục tới vài trăm USD/người, đó là Bangladesh và Philippines.

Thái Lan là quốc gia có mức tăng trưởng dương đối với vốn TN đất trồng trọt (3.039 USD/người) nhưng lại giảm vốn TN khu vực đươc bảo vệ (-1.725 USD/người); các vốn TN khác có tăng nhưng không nhiều.

Việt Nam cũng là nước có tất cả vốn TNTN thành phần đều tăng trưởng dương giai đoạn 2005 - 2014 nhưng chỉ có mức tăng của vốn TN đất trồng trọt là đáng kể (3.628 USD/người), tiếp đến là mức tăng của vốn TN trong lòng đất (1.649 USD/người). Tài nguên đất chăn nuôi tăng ít (432 USD/người), các vốn TNTN còn lại tăng không đáng kể. Việt Nam cần có nghiên cứu thêm về khả năng tăng trưởng của tất cả vốn này để có thể duy trì tăng trưởng dương và nâng cao mức tăng trong giai đoạn kế tiếp, đặc biệt chú ý đến vốn tài nguyên rừng và vốn TN đất chăn nuôi. Nếu cần, Việt Nam phải đến học hỏi kinh nghiệm của các nước để áp dụng, chẳng hạn như học Malaysia về tăng vốn TN gỗ và đất trồng trọt; học hỏi Lào về tăng trưởng TN khu vực được bảo vệ và vốn TN đất trồng trọt hay học hỏi Trung Quốc về kinh nghiệm tăng vốn TN đất trồng trọt.

Những cố gắng của các nhà khoa học trong nước đã cho kết quả tính các giá trị vốn TNTN của một số địa phương, ví dụ kết quả tính cho Hà Nội 2010 trên hình 3 và 4  và cho Quảng Trị trên hình 5.

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 5

Hình 3. Giá trị vốn TNTN thành phần (USD/người) của Thành phố Hà Nội 2010 [5]

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 6

Hình 4. Tỉ lệ (%) vốn TNTN thành phần đóng góp vào tổng vốn TNTN của Thành phố Hà Nội 2010 [5]

Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai - Ảnh 7

Hình 5. Hình Giá trị vốn TNTN thành phần (USD/người) của Quảng Trị 2008 [6]

Nếu các địa phương tính được các giá trị vốn TNTN thành phần cho từng giai đoạn (có thể các nhau 10 năm) sẽ thấy được hiện trạng vốn TNTN và khả năng biến động theo thời gian để từ đó có kế hoạch gia tăng các vốn này trong tương lai, đặc biệt là các vốn tài nguyên tái tạo được.

Một trong những hạn chế của cách tính vốn TNTN được WB sử dụng là chưa tính được vốn TNTN mà các vùng biển mang lại. Nguyên nhân được giải thích là do dữ liệu có sẵn không đáp ứng tiêu chí tính toán (yêu cầu có số liệu ít nhất của 100 quốc gia [3]). Tuy nhiên, trong các báo cáo của WB có đánh giá về vai trò, mức độ đóng góp của vốn TNTN biển ở một số quốc gia và khu vực. Việt Nam cúng là quốc gia có sự hỗ trợ của vốn TNTN biển. Mức hỗ trợ này mới chỉ tính riêng cho từng nước, chưa thể tính thống nhất cho tất cả các nước theo cùng phương pháp.

KẾT LUẬN

  1. Việt Nam hiện chưa có tính toán cụ thể mức vốn TNTN cho toàn quốc nhưng có thể sử dụng tính toán của WB để phân tích, xem xét, so sánh hiện trạng vốn TNTN của mình. Giai đoạn 2005 - 2014 tổng mức vốn TNTN của Việt Nam tăng đáng kể, từ 630 USD/người lên 9.381 USD/người. Tuy nhiên, các vốn TNTN thành phần lại có mức đóng góp rất khác nhau và mức tăng trưởng cũng khác nhau. Đáng chú ý nhất là vốn tài nguyên rừng (cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ) rất thấp và tăng trưởng không cao.
  2. So sánh với các nước ở khu vực và các nước trên thế giới, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm nhiều nước để tăng vốn TNTN như học Malaysia về tăng vốn TN gỗ và đất trồng trọt; học hỏi Lào về tăng trưởng TN khu vực được bảo vệ và vốn TN đất trồng trọt hay học hỏi Trung Quốc về kinh nghiệm tăng vốn TN đất trồng trọt.
  3. Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ hơn phương pháp tính vốn TNTN của WB để tự mình tính giá trị các vốn này không chỉ cho cả nước mà còn cho cả các địa phương để dịnh hướng phát triển vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa tăng được vốn TNTN cho thế hệ tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. WB, 2006, Where is the Wealth of Nations, Measuring Capital for the 21st Century.

[2]. WB, 2011, The Changing Wealth of Nations: Measuring Sustainable Development in the New Millennium.

[3]. WB, 2018, The Changing Wealth of Nations.

[4]. Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (DERG), Đại học Copenhagen  và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội, Việt Nam, 2008, Dự thảo: Hạch toán giá trị tài nguyên của Việt Nam: vai trò tài nguyên thiên nhiên.

[5]. Hoàng Xuân Cơ và cộng sự, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạc tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được thẩm định năm 2011.

[6]. Hoàng Xuân Cơ và cộng sự, 2009, Báo cáo tổng kết Đề án Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường bền vững tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2008 - 2015.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Nhận dạng nguồn vốn TNTN của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.