Nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Thời gian qua, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều đổi mới về chính sách tài chính, giá đất từng bước đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, làm tăng nguồn thu từ đất đai cho ngân sách Nhà nước.
Chính sách tài chính đất đai là công cụ quản lý mối quan hệ về mặt kinh tế phát sinh giữa Nhà nước với người sử dụng đất gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và người bị thu hồi đất. Do vậy, chính sách tài chính đất đai ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến đến lợi ích của các bên, còn là công cụ khuyến khích việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đây cũng là công cụ kinh tế giúp tăng nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, góp phần ổn định tài chính vĩ mô; Là công cụ kinh tế điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu và các bên có liên quan như người sử dụng đất, người bị thu hồi đất.
Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Các khoản thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Phí, lệ phí, tiền thu từ xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai, tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất. Luật Đất đai đã quy định Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước; Đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; Chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.
Thực hiện theo Luật Đất đai 2013, về giá đất, Chính phủ đã ban hành Khung giá đất (Nghị định số 104/2014/NĐ-CP) và ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về Khung giá đất; 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, ban hành và công bố công khai Bảng giá đất theo quy định. Bảng giá đất của các địa phương quy định giá đất ở tại đô thị, giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; Đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và đất nông nghiệp trên địa bàn. Một số địa phương đã xây dựng Bảng giá đất gắn với hồ sơ địa chính, đến từng thửa đất.
Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy trình chặt chẽ (thông qua Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi UBND quyết định giá đất). Việc xác định giá đất đa số được thực hiện qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất nên đã tạo sự khách quan trong công tác định giá đất.
Đơn cử, từ khi thi hành Luật đất đai 2013, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Bảng giá đất 5 năm, xác định giá đất cụ thể tương đối phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng thành công, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai năm 2013, đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng đất và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tính từ 1/7/2014 đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thành công với tổng diện tích đấu giá là 442,97 ha, tổng số tiền thu được từ công tác đấu giá quyền sử dụng đất là 16.286,5 tỉ đồng.
Còn tại tỉnh Nam Định, những năm vừa qua, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn (chiếm khoảng trên, dưới 30%); Đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất, đã góp phần không nhỏ về nguồn lực, góp phần đưa tỉnh Nam Định sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính riêng tiền đấu giá sử dụng đất, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất được 9 khu đất (dự án), Trong đó, có 2 khu đất tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy và xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng giao cho Trung tâm tham mưu thực hiện việc giải phóng mặt bằng thông qua việc lập dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:
Lên phương án trước khi đấu giá đất
Để tăng nguồn thu từ đất, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý đất đai nói chung, đấu giá đất nói riêng.
Theo đó, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TP.HCM sẽ tổ chức thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, kết hợp với xây dựng hạ tầng giao thông. Sau đó, thành phố sẽ tổ chức đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư, vừa tạo ra giá trị thặng dư, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. Đặc biệt, trước khi tổ chức đấu giá giá đất, TP.HCM sẽ lên phương án chặt chẽ trong việc lựa chọn nhà đầu tư về mặt công nghệ, dự án đầu tư tốt, phương án sử dụng đất hiệu quả. Điều này vừa hạn chế việc đầu cơ đất đai, vừa tăng thu tiền sử dụng đất quỹ đất công và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Trong năm 2021, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tiến hành lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với 22 khu đất, tổng diện tích 3,48 ha theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Đồng thời, Sở TN&MT cũng sẽ tiến hành lập thủ tục đấu giá đối với 18 lô đất, diện tích 17,8 ha tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Năm 2021, để tạo quỹ đất sạch để phục vụ công tác đấu giá đất, Sở TN&MT sẽ công bố Quyết định thu hồi và chủ trương thu hồi đối với các khu đất được UBND TP.HCM giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (trực thuộc Sở TN&MT) xử lý thu hồi, tiếp nhận quản lý hoặc đề suất phương án sử dụng. Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố dự kiến sẽ tiếp nhận mặt bằng 14 khu đất (10,01 ha) tại quận 6 và 8; Lập thủ tục đo đạc 27 khu đất (47,97 ha), lập thủ tục xác định giá trị tài sản và hoàn trả chi phí đầu tư trên 3 khu đất (8,55 ha) tại quận 1, 7 và quận Bình Tân.
Ông Nguyễn Xuân Khánh Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình:
Đấu giá quyền sử dụng đất phải công khai, minh bạch
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, những năm qua, Thái Bình luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, minh bạch các quỹ đấu giá đất, thực hiện công tác xác định giá đất theo Thông tư 36 của Bộ TN&MT và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai, minh bạch.
Trong năm nay, HĐND tỉnh Quảng Bình giao dự toán thu tiền sử dụng đất là 2.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình vẫn giao chỉ tiêu phấn đấu cho các huyện, thành phố, thị xã thu tiền sử dụng đất đạt 2.900 tỉ đồng. Tính đến 13/5/2021, theo báo cáo thống kê từ các đơn vị thì số thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đã đạt 1.245 tỉ đồng, trong đó thu từ các dự án đấu giá đất gần 737 tỉ đồng, đạt 49% dự toán. Các địa phương thu ngân sách từ tiền sử dụng đất cao phải kể đến huyện Bố Trạch thu được hơn 270 tỉ đồng (UBND tỉnh giao 330 tỉ đồng), đạt hơn 108%, thành phố Đồng Hới đã thu được gần 587 tỉ đồng (UBND tỉnh giao 1.430 tỉ đồng), đạt hơn 41%, huyện Quảng Ninh đã thu gần 210 tỉ đồng (UBND tỉnh giao 350 tỉ đồng), đạt hơn 83%…
Đối với nguồn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất, trước hết tỉnh sẽ ưu tiên thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng tạo quỹ đất. Các dự án tạo quỹ đất không chỉ góp phần quan trọng vào việc tăng thu ngân sách, công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề đất ở cho nhân dân, tạo sự công khai minh bạch trong việc giao đất. Từ đó, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, bình ổn giá đất tại các địa bàn đô thị hóa trong tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Khánh Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình:
Đấu giá quyền sử dụng đất phải công khai, minh bạch
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, những năm qua, Thái Bình luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, minh bạch các quỹ đấu giá đất, thực hiện công tác xác định giá đất theo Thông tư 36 của Bộ TN&MT và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai, minh bạch.
Việc xác định giá đất có ý nghĩa quan trọng, vì vậy tỉnh Thái Bình ưu tiên lựa chọn các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, thực hiện tốt các dự án đã đấu giá thành công. Giá đất phải phù hợp với thực tiễn, thu hút được nhiều người tham gia đấu giá mới đảm bảo công tác huy động hiệu quả. Định giá đất không phù hợp ảnh hưởng đến kết quả đấu giá, nếu giá quá cao sẽ khó đấu giá thành công. Giá trúng đấu giá nhiều khu vực tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với giá khởi điểm, cá biệt có khu đất tăng 2 lần.
Để làm được điều này, tỉnh đã thực hiện tốt khâu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý đất bám sát và tuân thủ sẽ phân bổ nguồn lực đất đai hợp lý, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, tại Thái Bình, chủ động điều tiết quỹ đất đưa ra đấu giá đảm bảo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thực về sử dụng đất của thị trường, không lấy chỉ tiêu tăng thu từ đấu giá đất làm mục tiêu mà hướng tới đấu giá đất phải vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo phù hợp với nhu cầu, hiệu quả sử dụng đất.
Ông Phan Văn Mạnh Phó Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu:
Tăng thu ngân sách từ đấu giá đất
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nên đã tác động đến tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá đất. Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tổ chức đấu giá thành công hàng loạt khu đất có giá trị lớn. Cụ thể, năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đấu giá thành công 7 khu đất với tổng số tiền thu được khoảng 1.250 tỉ đồng; Năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đấu giá thành công 2 khu đất, tổng diện tích 2,85 ha, số tiền trúng đấu giá 199,2 tỉ đồng.
Xác định công tác quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở TN&MT cũng đã trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 đối với quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý với 5 khu đất, tổng diện tích là hơn 223 ha, số tiền dự kiến sẽ thu được là hơn 10.583 tỉ đồng. Trong đó, tại TP. Vũng Tàu có 4 khu đất, tổng diện tích hơn 203 ha, dự kiến sẽ thu được hơn 10.403 tỉ đồng; Còn tại TX. Phú Mỹ có 1 khu đất, diện tích 20 ha, số tiền dự kiến sẽ thu được khoảng 180 tỉ đồng.
Trường Giang