Thứ bảy, 21/12/2024 20:51 (GMT+7)
Thứ tư, 16/12/2020 17:18 (GMT+7)

Nhà ở an toàn vùng lũ: Mô hình nào phù hợp?

Theo dõi KTMT trên

Sáng 16/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp, tham mưu tìm mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng bão lũ.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) – Bộ NN&PTNT, năm 2020, thiên tai diễn biến khốc liệt, dị thường trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, trong đó: 13 cơn bão trên Biển Đông; 263 trận dông, lốc; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai đã khiến 342 người bị tử nạn, mất tích; trên 3.200 nhà sập, 280.700 nhà hư hại, tốc mái, 414.400 nhà bị ngập, 171.300 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 49.600 con gia súc, trên 3,3 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng...

Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỉ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay đã có 3.450 nhà thuộc dự án của Quỹ GRCF (Green Recovery Challenge Fund) thông qua Bộ Xây dựng triển khai tại 5 tỉnh miền Trung, được thiết kế phù hợp với từng địa phương. Ngoài ra, nhiều dự án từ các tổ chức xã hội cũng đã quan tâm đến mô hình nhà an toàn cho bà con vùng bão lũ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cảnh báo xung quanh nhà ở an toàn cho người dân vùng lũ còn nhiều câu chuyện, bởi nhà an toàn cho bà con vùng lũ ở Việt Nam khác trên thế giới vì còn có cả yếu tố văn hóa, lịch sử, yếu tố bản địa dân tộc, yếu tố địa hình, thiên tai ở các vùng khác nhau.

"Sẽ không có một mẫu nhà nào hoàn hảo tuyệt đối, chúng ta sẽ lựa chọn những mẫu hình tốt nhất, phù hợp nhất" - Thứ trưởng Hiệp khẳng định.

Nhà ở an toàn vùng lũ: Mô hình nào phù hợp? - Ảnh 1
Mưa lũ gây ngập ở miền Trung.

Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ NN&PTNT) Đoàn Tuyết Nga đánh giá, đối với người giàu thì nhà ở an toàn trước thiên tai không là vấn đề lớn. Tuy nhiên, với các hộ nghèo thì còn khó khăn. Bên cạnh đó, có tình trạng hiện nay, nhiều nhà ở phòng, chống thiên tai được xây dựng không an toàn do kết cấu không bảo đảm, hoặc do người dân chưa biết cách sử dụng...

Theo KTS Lã Thị Kim Ngân – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), nhà ở an toàn cho vùng lũ là vấn đề chưa được quan tâm đồng bộ. Các đơn vị vẫn thực hiện các dự án hỗ trợ một cách lẻ tẻ. “Tổng cục Phòng, chống thiên tai hiểu về nguy cơ, Bộ Xây dựng giỏi về thiết kế nhà ở, nhưng vì sao thiệt hại về nhà ở vẫn rất lớn. Câu chuyện cũ, nhưng phương pháp, cách thức thực hiện thì chưa có lời giải…” – KTS Lã Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm.

Tại cuộc họp, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất được làm thí điểm nhà ở an toàn tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai là: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Đây là 3 khu vực có đặc điểm thiên tai mang tính đại diện. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ thiết kế một tổ hợp quần cư, từ đó nâng cấp các mẫu nhà ở. Đồng thời, thi công triển khai các tổ hợp này; làm cơ sở đánh giá để phát triển trên diện rộng…

Bạn đang đọc bài viết Nhà ở an toàn vùng lũ: Mô hình nào phù hợp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.