Nguyên nhân nào khiến TP.HCM có tốc độ sụt lún cao?
Theo các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sụt lún tại TP. HCM đang ở mức báo động, với tốc độ sụt lún trung bình khoảng 2-5cm mỗi năm, một số nơi đến 7-8cm, nếu không có giải pháp quyết liệt, TP sẽ có nguy cơ “chìm” dưới mực nước biển trong tương lai.
Người dân lo ngại về tình trạng sụt lún
Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của một số cơ quan báo chí, tại hẻm 67, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) sau vài năm, chân bức tường xung quanh một tòa nhà cao tầng đã bị “hở hàm ếch” do đất lún, chân tường lệch với mặt đất khoảng 30cm.
Người dân nơi đây cho biết khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây vốn không lún nhưng từ khi thi công nâng đường mỗi khi mưa lớn lại bị ngập, nước ngập tạo thành xoáy nước mạnh cuốn theo đất bên dưới làm nền đất sụt lún. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, một thời gian nữa nền móng của các công trình cao tầng xung quanh không có chỗ bám sẽ nghiêng đổ, rất nguy hiểm.
Tình trạng trên còn diễn ra tương tự tại khu vực phường An Lạc, khu vực này có diện tích 4,59km2, nằm ở cửa ngõ phía Tây TP. Hồ Chí Minh, là địa phương bị sụt lún 81,4cm trong hơn 10 năm qua. Đây được xem là mức lún nghiêm trọng nhất khu vực phía Nam (theo kết quả quan trắc Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công bố năm 2019).
Ngoài ra, ghi nhận tại nhà ông Nguyễn Văn Út trên đường Lê Tấn Bê, phường An Lạc, quận Bình Tân, ngày càng xuất hiện nhiều mảng tường bị nứt, xé chạy dọc do đất lún. Theo ông Nguyễn Văn Út, nhà ông vốn xây kiên cố nhưng vài năm gần đây nền đất liên tục sụt lún khiến ông phải nhiều lần đổ đất đá bồi cao nền lên. Có thời điểm, ông nâng nhà cao hơn mặt đường 0,5m nhưng chỉ vài năm sau lại bị sụt lún trở lại gần sát mặt đường.
“Nhà tôi lúc mới xây đổ móng rất kiên cố nhưng giờ đây chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà nghiêng hẳn sang một bên. Nhiều năm qua, chúng tôi bỏ rất nhiều tiền ra sửa chữa nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy,” ông Nguyễn Văn Út chia sẻ. Xung quanh khu vực nhà ông có nhiều nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng nền lún, nứt tường. Nhiều hộ dân chủ động đổ đất đá để nâng mặt nền lên.
Ngôi nhà cấp bốn của bà Trương Thị Bình trên đường Lâm Hoành (phường An Lạc, quận Bình Tân) cũng đang trong tình trạng sắp “chìm” đến mái vì sụt lún. Phía trong ngôi nhà đã biến thành một cái ao tù đọng nước.
Bà Bình cho biết, hơn chục năm trước gia đình phải xây căn nhà mới bên cạnh, nhưng 5 năm qua tường của ngôi nhà này cũng có dấu hiệu nứt dù đã sửa chữa nhiều lần.
“Sống mà nơm nớp lo sợ. Khu này hồi xưa là đất ruộng, khi xây nhà chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để làm phần móng nhưng không ăn thua”, bà Bình nói. Xung quanh khu vực nhà bà Bình cũng có nhiều ngôi nhà bị lún, nứt không thể sử dụng được và chủ nhà đành bỏ hoang.
Sụt lún với tốc độ nhanh nhất trên toàn cầu
Theo ThS. Nguyễn Phát Minh, nguyên Trưởng bộ môn Địa chất Thủy văn - Địa chất công trình - Địa chất môi trường thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM cho hay, nguyên nhân chính gây sụt lún tại TP. HCM phần lớn là do phát triển đô thị ồ ạt trên nền đất yếu. Theo đó, TP. HCM là đô thị mới, trong đó nhiều khu vực chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán ngập triều, có độ rỗng trong tầng địa chất phía trên rất lớn.
Theo thời gian có thể tính bằng hàng trăm năm, nền địa chất sẽ nén chặt lại gây ra hiện tượng lún. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, đường giao thông tại Thành phố trong nhiều năm qua đang thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn.
Theo ông Nguyễn Phát Minh, những khu vực có mặt đường bị lún nên sẽ dẫn đến nguy cơ khu vực xung quanh bị ngập nước khi mưa lớn. Dự báo từ 7-10 năm tới, nước xâm nhập có thể gây ngập từ 25-35% diện tích của TP. HCM khi mưa kết hợp triều cường đỉnh điểm.
Các quận vùng ven như Tân Phú, quận 12, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh cứ triều cường sẽ ngập chứ không cần đợi mùa mưa. Ngập cục bộ, mưa cục bộ kết hợp triều cường, nếu không có giải pháp sẽ ngập hơn 1/3 diện tích thành phố.
Một nguyên nhân khác là do khai thác nước ngầm quá mức. Hiện nay, tổng lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn là hơn 716.580m3/ngày, trong đó, chiếm phần lớn là hộ đơn lẻ với hơn 355.000m3/ngày, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp... Đáng chú ý, dù chính quyền thành phố đã cấp nước sạch cho 100% người dân nhưng hiện nay nhiều hộ còn sử dụng nước giếng hoặc sử dụng song song hai nguồn nước (nước giếng và nước máy) để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Trên tờ The Strait Times ngày 20/9 cũng dẫn lại một nghiên cứu công bố gần đây cho biết các thành phố ven biển Đông Nam Á đang sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu, trong đó TP. HCM đang lún xuống đến 16,2 mm/năm.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Cheryl Tay, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Môi trường Châu Á của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, lưu ý rằng nhiều thành phố ven biển châu Á đang phát triển và đô thị hóa nhanh chóng. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu khai thác nước ngầm và khiến đất sụt lún nhanh chóng.
Như tại TP. HCM, việc xây dựng dày đặc các công trình cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu cũng góp phần làm sụt lún đất, theo nghiên cứu.
Bà Cheryl Tay cho biết, sụt lún cùng với lượng mưa cực lớn và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến lũ lụt thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn ở những nơi dễ bị tổn thương trong vài năm tới.
Giảm khai thác nước ngầm
Để khắc phục tình trạng sụt lún, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn còn 100.000 m3/ngày, hướng đến 4 nhóm đối tượng chính: hộ gia đình; khu chế xuất-khu công nghiệp; nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất-khu công nghiệp không phải hộ gia đình và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Sawaco). TP giao cho UBND các quận, huyện chủ trì thực hiện trám lấp giếng hư hỏng, giếng không sử dụng… tại các hộ dân.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, TP. HCM nên đặt ra những nguyên tắc phát triển cho vùng đất cao và thấp. Nếu muốn phát triển đô thị ở vùng đất thấp phải giảm mật độ xây dựng, giảm tầng cao và dành ra ít nhất 40% diện tích dự án cho không gian xanh mặt nước. Giữa những khu vực phát triển nên có vành đai xanh để ngăn cách, không nên bêtông hóa một diện tích lớn. Phương án này giúp thành phố tránh được sụt lún nhưng không đáp ứng yêu cầu về tốc độ tăng trưởng, đô thị hóa.
Ngược lại, nếu TP muốn phát triển đô thị mật độ cao, nhà cao tầng mà không lo sụt lún nên ưu tiên về phía vùng đất cao, từ quận Phú Nhuận chạy dài về các huyện Hóc Môn, Củ Chi và TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, đây là phương án bền vững và phù hợp nhu cầu phát triển của TP, bởi trong nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tương lai khu nội thành sẽ chỉ có hai quận (quận 1 và 3) là ít bị ngập, còn các quận: Bình Thạnh, 4, 7, 8… đều có nguy cơ ngập nặng. Như vậy, việc phát triển về vùng đất cao nên là hướng phát triển chiến lược của TP. HCM.
Huỳnh Mai