TP. HCM: Đề xuất bổ sung hơn 30.000 tỉ đồng làm 11 dự án kết nối cảng biển
Sở GTVT TP. HCM vừa có đề xuất gửi UBND Thành phố về việc bổ sung thêm 30.500 tỉ đồng vào kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 11 dự án giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và tăng kết nối cảng biển.
Dựa trên báo cáo của UBND TP. HCM về kết quả thu phí hạ tầng cảng biển sau khi triển khai kể từ đầu tháng 4/4022, Sở Giao thông vận tải TP. HCM (Sở GTVT) cho hay, mức phí hạ tầng cảng biển thấp nhất hiện nay là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (Cụ thể là hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP. HCM). Mức cao nhất là 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu,…). Tất cả quy trình thu phí được triển khai thông qua hệ thống điện tử và không sử dụng tiền mặt.
Cũng theo Sở GTVT TP. HCM, từ đầu tháng 8/2022, TP. HCM đã áp dụng giảm mức phí cho hàng vận chuyển bằng đường thủy nội địa, doanh nghiệp làm tờ khai ở địa phương khác.
Theo thống kê của Sở GTVT TP. HCM, từ 1/4 đến 18/8, Thành phố đã thu về hơn 1.076 tỉ đồng. Tức là mỗi ngày Thành phố thu được trung bình khoảng 7,6 tỉ đồng; mỗi tháng thu được trung bình hơn 220 tỉ đồng từ khoản phí hạ tầng cảng biển. Như vậy, sau 5 năm, số phí Thành phố thu được khoảng 13.200 tỉ đồng, nguồn thu này đến từ hơn 52.400 doanh nghiệp đăng ký khai báo nộp phí.
Sau khi trích một phần cho đơn vị thu, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng. Được biết, đây là một phần trong kế hoạch bổ sung vốn đầu tư cho hạ tầng kết nối các cảng chậm trễ nhiều năm.
Qua đó, Sở GTVT TP. HCM đã tiếp tục thực hiện rà soát và có đề nghị gửi UBND Thành phố về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 11 dự án để giải quyết vấn đề ùn tắc, tăng kết nối cảng biển với tổng số vốn khoảng 30.592 tỉ đồng.
Cụ thể, trước tiên là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức) đoạn từ đường vành đai 2 đến khu công nghiệp Phú Hữu (TP. Thủ Đức). Tuyến sẽ được mở rộng từ 7-8 m lên 30 m đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu (1,6 km), với tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng, tăng hơn 800 tỉ so với mức đầu tư ban đầu do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.
Tiếp đến là 6 dự án chuẩn bị đầu tư, trong đó có 3 dự án thuộc Vành đai 2, dài hơn 11 km, tổng vốn đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng. Kế đến là dự án hoàn thiện đoạn vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thuỷ (dài 2,3 km; vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng); dự án xây đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (dài hơn 1,5 km; tổng vốn khoảng 578 tỉ đồng) và dự án cầu Thủ Thiêm 4, nối TP. Thủ Đức qua quận 7 (vốn đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng).
Cuối cùng là 4 dự án mới được Sở GTVT TP. HCM đưa vào danh mục đề xuất, bao gồm: Hoàn thiện đường vành đai phía Đông đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu (mở rộng từ 6 làn lên 12 làn với tổng vốn hơn 2.200 tỉ đồng); mở rộng trục đường Bắc Nam từ 4 làn lên 10 làn, đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (gần 4.500 tỉ đồng); nâng cấp cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 (gần 300 tỉ đồng).