Người dân bình thản trong cơn ngập lụt bất thường tại Venice (Italy)
Người dân không còn mấy lạ lẫm trước tình trạng nước ngập bất thường như thế này. Tình trạng ngập lụt ở Venice do nhiều yếu tố cộng hưởng từ biến đổi khí hậu.
Người dân và du khách tại thành phố du lịch lõm bõm bước đi trong những con phố ngập nước. Đối với các chủ kinh doanh tại đây, công việc thường ngày của họ là lắp ván chắn nước tràn vào nhà.
Bà Annapaola Lavena - Chủ quán cà phê Levena, Venice, Italy nói: "Hiện tượng triều cường lên cao bất thường xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mọi thứ đều bị đình trệ. Venice sống dựa vào nguồn thu từ khách du lịch, nếu không có du khách, kinh tế của Venice sẽ chết".
Tình hình ngập lụt kéo dài khiến quảng trường trung tâm San Marco cùng nhiều địa điểm du lịch khác ngừng đón khách. Cuối năm 2019, một cơn bão đã làm ngập Venice với mức nước lên đến 2 m kèm sức gió mạnh làm đổ mái ngói của các ngôi nhà. Đợt ngập lụt gây thiệt hại hàng trăm triệu euro. Từ đó đến nay, hiện tượng ngập lụt diễn ra thường xuyên, người dân thành phố cảm nhận rõ lời cảnh báo từ hệ quả của biến đổi khí hậu.
Bà Claudia Bertoldi - nhân viên cửa hàng nữ trang, Venice, Italy cho biết: "Không còn mấy lạ lẫm nữa, nước ngập như thế này dần trở thành chuyện thường ngày ở đây".
Tình trạng ngập lụt ở Venice do nhiều yếu tố cộng hưởng từ biến đổi khí hậu - tác nhân khiến mực nước biển và các đợt thủy triều dâng cao bất thường. Mùa thu năm ngoái, mực nước cao kỉ lục đã buộc Venice phải kích hoạt Mose, một hệ thống đê ngăn triều cường gồm hàng chục cửa chắn lũ lắp đặt ngoài biển có khả năng ngăn chặn nước tràn vào gây ngập lụt. Nhưng hệ thống chỉ hoạt động khi thủy triều cao trên 1,3 m.
Để ngăn chặn tình trạng ngập lụt tại thành phố, cơ quan chức năng đã triển khai hệ thống rào chắn đồ sộ và tốn kém. Tuy nhiên không thể ngăn triệt để nước tràn từ biển vào trong những ngày triều cao, nếu tiếp tục ngâm trong nước, các danh lam thắng cảnh từng thu hút hàng triệu khách du lịch sẽ bị nước mặn phá hoại. Bề mặt chạm khảm tinh tế của quảng trường San Marco đã bị hỏng, nhà thờ phong cách Baroque và trường đại học phong cách Gothic của thành phố ít nhiều không còn nguyên vẹn.
Nguyễn Linh (T/h)