Thứ sáu, 26/04/2024 13:29 (GMT+7)
Thứ ba, 27/12/2022 09:50 (GMT+7)

“Ngôi nhà xanh”: Mô hình phân loại rác thải hiệu quả trong cộng đồng tại Hội An

Theo dõi KTMT trên

Mô hình “Ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống, vừa giúp hình thành thói quen trong việc phân loại và hạn chế phát thải rác thải hằng ngày ra môi trường.

TP.Hội An là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi nylon, nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố du lịch xanh.

Từ nhiều tháng nay, chị em phụ nữ ở khối Xuân Thuận (phường Cẩm Phô, TP.Hội An) đã hình thành thói quen thường xuyên mang các loại rác thải vỏ lon, chai nhựa, giấy bao bì, hộp sữa... đến tập kết trong “Ngôi nhà xanh” được đặt ở nhà văn hoá. Những phế liệu này sẽ được chị em hội viên phân loại và bán cho các nhà máy tái chế. Số tiền thu được từ rác nhựa của “Ngôi nhà xanh”, Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận mua bảo hiểm tặng phụ nữ và hỗ trợ hội viên khó khăn.

Đây là mô hình do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN Việt Nam; Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh GreenHub tài trợ và Hội LHPN TP.Hội An triển khai tại 54 địa điểm của 12 xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm vận động người dân phân loại rác trước khi được mang đi thu gom, tái chế, giảm lượng rác phải đem đi chôn lấp tại Hội An.

Điều đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà xanh” không chỉ dừng lại rác giá trị cao như vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton để bán gây quỹ chi hội hoạt động mà còn tập trung loại rác có giá trị thấp đó là hộp xốp, túi nylon, vỏ kẹo, ống hút, ly nhựa, muỗng nhựa, hộp sữa… để tái chế thành các sản phẩm hạt nhựa, nhựa đường hay còn gọi là rác ReForm.

“Ngôi nhà xanh”: Mô hình phân loại rác thải hiệu quả trong cộng đồng tại Hội An - Ảnh 1
Mô hình “Ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành các sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống.

Qua 1 năm vận hành hoạt động ngôi nhà xanh bước đầu đã phát huy hiệu quả, hạn chế việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tăng cường phân loại rác thải đáp ứng tiêu chí góp phần xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giúp chi hội có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ trao hàng trăm suất quà, hàng chục thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn thành phố.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, các chi hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với CLB vì môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển rác giá trị thấp; thống nhất lịch trình thu gom và vận chuyển phù hợp; các chi hội phân loại rác ngôi nhà xanh theo hướng dẫn; vào các ngày định kỳ trong tháng (3 ngày/lần, 10 lần/tháng), Câu lạc bộ vì môi trường đến các địa điểm đặt ngôi nhà xanh để cùng với các chi hội phụ nữ kiểm tra, ghi chép khối lượng rác và vận chuyển tới các trạm MRF của ReForm Plastic. Đồng thời, mỗi tháng 2 lần câu lạc bộ vì môi trường vận chuyển đến cơ sở tái chế của ReForm Plastic thu mua.

Tính đến ngày 30/11/2022, hoạt động 54 ngôi nhà xanh đã thu gom rác thải tái chế (giá trị cao) gồm: chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, giấy, sắt vụn... bán xây dựng quỹ được hơn 63 triệu đồng; có 27 ngôi nhà xanh thực hiện thu gom rác (giá trị thấp) gồm túi nilông, hộp xốp, hộp sữa… gây quỹ gần 3 triệu đồng.

“Những “Ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành các sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống, vừa giúp người dân hình thành thói quen trong việc phân loại và hạn chế phát thải rác thải hằng ngày ra môi trường.” – bà Nhung chia sẻ.

“Đây không phải là mô hình mới tuy nhiên loại rác và việc thu gom loại nhựa giá trị thấp là mới. Có thể nói Hội An là địa phương tiên phong trong “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (Green Hub) nhận định. Trong thời gian tới, hy vọng thành phố có phương án vận chuyển nhựa giá trị thấp đến địa điểm tập kết tái chế, tăng cường kết nối chuỗi với nhà máy tái chế, tạo ra một vòng đời mới cho rác ở thành phố du lịch này.

Trước đó, bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ IUCN cho biết: Theo kết quả kiểm toán được phối hợp thực hiện với Đại học Đà Nẵng tại TP.Hội An, rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình và hộ kinh doanh chiếm đến 85% tổng lượng rác thải. Thế nhưng chỉ có 6% trong tổng 9.000 tấn rác thải nhựa phát sinh trong 1 năm được thu gom và tái chế. Do đó, hoạt động ngày hôm nay nhằm mục đích đồng hành cùng TP. Hội An giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác.

“Thùng rác được thiết kế ba ngăn sẽ giúp người dân có thể phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ công tác thu gom tại địa phương, một mắt xích quan trọng thúc đẩy tái chế và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đặc biệt, những thùng rác này được làm từ rác thải nhựa tái chế thì du khách và người dân sẽ tin tưởng hơn vào việc phân loại rác chứ không phải phân loại xong rồi sau đó trộn lại tại bãi rác như trước kia”, bà Hiền chia sẻ.

Từ một thành phố chịu áp lực lớn về rác thải, nhiều năm lúng túng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, Hội An bây giờ được xem là thành phố thân thiện với môi trường. Năm Du lịch quốc gia 2022 khai mạc tại thành phố Hội An vào cuối tháng 3 tới với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” tiếp tục khẳng định, du lịch xanh là hướng đi chủ đạo của du lịch đất Quảng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, từ bài học thực tiễn tại Quảng Nam, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình phục hồi ngành công nghiệp không khói. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần nỗ lực tạo ra vùng xanh, xây dựng những điểm đến an toàn cho du khách.

“Chúng ta đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn thì nội hàm “xanh” đã thể hiện rõ ở định hướng tăng trưởng bền vững. Du lịch còn giữ vai trò hỗ trợ cho các nhóm ngành kinh tế khác. Trên cơ sở Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế trong đó có phục hồi ngành Du lịch… hy vọng là 2 năm tới Du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết “Ngôi nhà xanh”: Mô hình phân loại rác thải hiệu quả trong cộng đồng tại Hội An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới