Thứ năm, 28/03/2024 21:53 (GMT+7)
Thứ hai, 14/11/2022 06:55 (GMT+7)

Hoàn thiện quy định hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Với việc phân loại chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và gửi xin ý kiến góp ý của Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Rác thải phát sinh ngày càng nhiều, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016 - 2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10 - 16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước).

Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ. Việc phân loại chất thải rắn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Trong bối cảnh lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm, trong khi nhiều bãi chôn lấp đang ngày quá tải, gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các địa phương cần sớm có lộ trình đưa chính sách (các quy định mới mang tính đột phá liên quan đến quản lý chất thải rắn) đi sâu vào cuộc sống.

Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho thấy, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.

Hoàn thiện quy định hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1
Mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. 

Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức trên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp. Đáng nói hơn, tại các điểm xử lý rác theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Theo số liệu ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường (không thu hồi năng lượng). Gần đây đã có một số nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng hay còn gọi là nhà máy điện rác như ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... Tuy nhiên so với khối lượng rác phát sinh toàn quốc thì con số này rất không đáng kể.

Chính sách đồng bộ, hiệu quả

Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Công văn số 1211/TCMT-CPTTR ngày 12/5/2021 của Tổng cục Môi trường về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương phải ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường trong năm 2022.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, với việc phân loại chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và gửi xin ý kiến góp ý của Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại Công văn số 4648/BTNMT-TCMT ngày 11/8/2022.

Sau khi nhận được đầy đủ ý kiến góp ý của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, bổ sung dự thảo; tổ chức các cuộc họp, hội thảo tiếp tục xin ý kiến góp ý trực tiếp cho dự thảo trước khi trình lãnh đạo Bộ ban hành làm căn cứ các địa phương triển khai xây dựng văn bản tại địa phương.

Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, chuyển giao và xử lý chất thải, bên cạnh việc tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT có các nội dung quy định cụ thể về quản lý chất thải. Điển hình như tại mục 1 đã đưa ra các quy định liên quan đến: Danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường; Đơn vị tính khối lượng chất thải; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại mục 2, Thông tư số 02 quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Giá dịch vụ thu gom,vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.

Mục 3 gồm quy định liên quan đến yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường;  Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường. 

Tại mục 4, Thông tư quy định về khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và mẫu chứng từ chất thải nguy hại; Yêu cầu kỹ thuật về bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ xử lý chất thải nguy hại; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại….

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, thì chính quyền cần cụ thể hóa được chính sách trên, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại sẽ giảm được tiền xử lý.

Theo ông Tùng, việc tổ chức tuyên truyền là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này chưa thực sự phổ biến rộng rãi, đâu đó còn theo phong trào chỉ được 1 thời gian. Thực tế, lâu nay đã tuyên truyền nhưng dường như cơ quan quản lý làm chưa tới.

Ngoài trách nhiệm của người dân, theo ông Tùng thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Bởi theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai; trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu mới được thu gom, vận chuyển.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện quy định hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết trong hoạch định và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, những năm qua Thái Bình luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.