Thứ sáu, 26/04/2024 16:36 (GMT+7)
Thứ tư, 04/05/2022 15:00 (GMT+7)

Nghịch lý tăng trưởng Becamex

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo tài chính quý 1/2022 của Becamex ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng mạnh nhưng lãi ròng lại giảm 7%. Nguyên nhân là do chi phí lãi vay đang ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hàng tồn kho, chi phí tài chính bào mòn lợi nhuận

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex; Mã chứng khoán: BCM) trải qua 3 thập kỷ hình thành và phát triển trở thành doanh nghiệp đáng tự hào của tỉnh Bình Dương. Ngày nay, Becamex với mô hình hoạt động công ty mẹ và nhiều công ty con, đơn vị được đánh giá là nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2021, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù công ty mẹ Becamex IDC ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 1.136 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra nhưng lợi nhuận kết quả kinh doanh hợp nhất chỉ đạt 63% đề ra (1.457 tỉ đồng so với kế hoạch 2.300 tỉ đồng đề ra).

Trong năm 2022, ban lãnh đạo Becamex đặt ra mục tiêu tăng trưởng công ty mẹ là 22%; phấtn đấu đến cuối năm đạt lợi nhuận sau thuế 1.381 tỉ đồng. Còn kết quả kinh doanh hợp nhất Công ty sẽ phấn đấu đạt 2.888 tỉ đồng, tăng trưởng tới 98%.

Nghịch lý tăng trưởng Becamex - Ảnh 1
Chi phí tài chính tăng cao và hàng tồn kho là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của BCM không thực sự khả quan.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị đặt ra nhiều dấu hỏi khi trong bản Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Becamex ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng nhưng lãi ròng lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Kết thúc quý 1/2022, tổng tài sản BCM ghi nhận ở mức gần 49.504 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó có 17.530 tỉ đồng vốn chủ sở hữu (tính cả 5.165 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối).

Tuy nhiên, trong số này có tới gần 21.538 tỉ đồng là hàng tồn kho, tăng hơn 600 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Phần lớn hàng tồn kho của BCM nằm ở sản xuất, kinh doanh dở dang (19.030 tỉ đồng).

Lượng tiền và tiền gửi của BCM tăng 32% do Công ty tăng mạnh các khoản tiền gửi ngân hàng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm 25%, chủ yếu do giảm các khoản phải thu khách hàng.

Nợ phải trả của BCM đến hết ngày 31/3/2022 đạt mức 31.974 tỉ đồng, bằng 182% vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp cũng không có nhiều thay đổi so với hồi đầu năm khi chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn 18.748 tỉ đồng, nợ phải trả dài hạn gần 13.226 tỉ đồng. Dù nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm đến 21% nhưng tổng nợ vay của BCM chỉ giảm 5% so các khoản dài hạn vẫn chiếm đa số.

Trong kỳ, các mảng kinh doanh chính của BCM gồm bất động sản, đầu tư và bán hàng hóa đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ 2021; nhờ đó tổng doanh thu tăng nhẹ 2%, lên hơn 1,433 tỉ đồng. Giá vốn được tiết giảm đến 25%, đồng nghĩa biên lãi gộp tăng từ 41% lên 57%, dẫn đến lãi gộp tăng 41%, lên gần 821 tỉ đồng.

Nghịch lý tăng trưởng Becamex - Ảnh 2
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2022 của BCM (Đơn vị: tỉ đồng).

Dù vậy, việc biên lãi gộp tăng lại là điểm sáng duy nhất của BCM trong 3 tháng đầu năm 2022. Doanh thu từ hoạt động tài chính và từ công ty liên doanh, liên kết đều lần lượt giảm 28% và 38%. Trong khi đó, các chi phí như chi phí lãi vay (tăng 74%), chi phí bán hàng (tăng 29%) và chi phí quản lý (tăng 15%) dẫn đến hệ quả dù lãi gộp tăng mạnh nhưng lãi ròng quý 1/2022 của BCM vẫn giảm 7% so với cùng kỳ, còn gần 425 tỉ đồng.

Còn lợi nhuận kinh doanh hợp nhất của BCM và các công ty con chỉ đạt 391 tỉ đồng, giảm 16,43% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải về điều này, BCM cho biết, nguyên nhân là do lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm trong kỳ; đồng thời chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng trong kỳ dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế giảm so với quý 1/2021.

Hiện nay BCM đang có 24 công ty con và liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có 6 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Tổng số tiền đầu tư của BCM vào các đơn vị này là hơn 15.726 tỉ đồng.

Điều này cho thấy, chi phí tài chính đang "bào mòn" lợi nhuận của BCM. Không những thế, hàng tồn kho cũng là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của BCM không thực sự khả quan. Theo các chuyên gia, nguồn vốn và chi phí tài chính tích tụ rất lớn trong hàng tồn kho. Nếu không giải phóng được thế bế tắc này, sức khỏe của doanh nghiệp cũng sẽ bị đe dọa.

Vay thêm 8.750 tỉ đồng trong năm 2022

Cuối tháng 4/2022, Becamex cũng công bố biên bản và nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch vay vốn tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm. Theo đó, Becamex dự tính sẽ vay thêm 8.750 tỉ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn 5.000 tỉ đồng; Vay trung - dài hạn 1.750 tỉ đồng để rót vào các dự án: KCN Cây Tường, KCN Khoa học Công nghệ, các khu dân cư tại Bàu Bàng, đầu tư hạ tầng KĐT mới và các khu tái định cư liên hợp, các dự án giao thông QL13, DT746, DT743, Mỹ Phước - Bàu Bàng...

Nghịch lý tăng trưởng Becamex - Ảnh 3

Kế hoạch vay vốn tín dụng và phát hành trái phiếu của Becamex trong năm 2022.

Đặc biệt, Becamex dự tính thu về 2.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022. Nếu kế hoạch này thành công, Becamex sẽ sử dụng 1.100 tỉ đồng đầu tư dự án KCN Bàu Bàng mở rộng, 300 tỉ đồng đầu tư dự án Khu văn hoá - Thương mại - Dịch vụ - Nhà ga trung tâm thành phố mới Bình Dương, 600 tỉ đồng đầu tư dự án Toà nhà Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ WTC thành phố mới Bình Dương.

Hiện nay, Becamex đang vay 11.130 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Nếu kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2022 của Becamex thành công, số nợ vay thông qua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sẽ đạt mức khoảng 13.000 tỉ đồng.

Trái chủ lớn nhất trong các lô trái phiếu của Becamex hiện nay là Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bình Dương (1.080 tỉ đồng); Ngân hàng MB Bank - Chi nhánh Bình Dương (600 tỉ đồng); Ngân hàng Liên danh Việt Nga - Chi nhánh TP.HCM (360 tỉ đồng); Công ty Cổ phần Chứng khoán Navibank (1.235 tỉ đồng); Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest (1.070 tỉ đồng)...

Bộ Tài chính chỉ đạo giám sát chặt trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 25/4/2022, Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trong cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Nhằm tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp vời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý, thanh tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ngọc Đông

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý tăng trưởng Becamex. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới