Thứ bảy, 23/11/2024 04:28 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/03/2022 09:00 (GMT+7)

Nghịch lý tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Chuyên gia nói thẳng

Theo dõi KTMT trên

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn càng làm càng lỗ, trong khi bản thân nhà máy này đang được hưởng quá nhiều ưu đãi được cho là trái so với quy luật của thị trường.

Mới đây, tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực công thương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu Bộ Công Thương cần làm rõ vai trò, cam kết của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trong đảm bảo sản xuất cung ứng xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía Bộ Công thương về vấn đề này chưa thực sự thuyết phục.

NSRP đang là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước. Nhưng hiện nhà máy này chưa có kế hoạch giao hàng cho các đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.

Bài học xương máu

Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã bày tỏ sự bức xúc trước việc NSRP càng làm càng lỗ, trong khi bản thân nhà máy này đang được hưởng quá nhiều ưu đãi được cho là trái so với quy luật của thị trường.

NSRP được thành lập vào tháng 4/2008 bởi 4 thành viên góp vốn (bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Kuwait Petroleum Europe B.V.,; Idemitsu Kosan Co.,Ltd và Mitsui Chemicals,Inc), trong đó PVN góp vốn 25,1%. Theo ông Long, trong quá trình ký kết với các đối tác nước ngoài chúng ta đã bị thua thiệt rất nhiều.

"Đơn cử, với việc chúng ta chỉ chiếm 25,1% nên chúng ta không thể chủ động do chủ sở hữu có quyền quyết định toàn bộ các vấn đề trong khâu nhập, bán nên đã bị gây khó khăn trong khâu cung ứng, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến NSRP thua lỗ.

Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây chúng ta đã tạo rất nhiều ưu đãi có thể nói là phi lý cho các nhà đầu tư trong liên doanh này. Có thể kể ra 3 nội dung: Một là áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án.

Hai là, cán cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Ba là trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.

Chúng ta càng ưu đãi bao nhiêu thì các nhà đầu tư nước ngoài càng đòi hỏi nhiều bấy nhiêu, được hưởng cơ chế đặc thù không pháp luật nào quy định mà vẫn thua lỗ đến hơn 3 tỷ USD.

"Ở đây tồn tại một nghịch lý, đó là mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng lương của lãnh đạo nhà máy lên tới cả triệu USD. Rõ ràng, công tác quản trị, vận hành của NSRP còn quá nhiều bất cập, quá nhiều điều phi lý", PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

Nghịch lý tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Chuyên gia nói thẳng - Ảnh 1
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đã có thời điểm, NSRP kêu khó và thông báo nguy cơ dừng hoạt động, ông Long nhắc lại thời điểm nhà máy ngập trong hàng tồn kho (đầu năm 2020), PVN lại kiến nghị cấm các đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, đây là điều hết sức phi lý, phi thị trường.

"Trước đây, hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất kêu tồn kho lớn, nguy cơ dừng hoạt động, than khó. Sau đó, Bộ Công Thương đã có chỉ thị đề nghị các đầu mối trong nước chia sẻ và đã được đáp ứng.

Nay giá thế giới lên, nguồn cung trong nước gặp khó khăn thì nhà máy lại muốn dừng hoạt động. Như thế là không công bằng với cả người tiêu dùng và trách nhiệm với Nhà nước, nhất là với một mặt hàng đặc biệt quan trọng, thiết yếu như xăng dầu", ông Long bày tỏ.

Theo vị chuyên gia kinh tế, vấn đề của NSRP đã được các ĐBQH đưa ra tại nhiều Kỳ họp Quốc hội. Tạm gác câu chuyện trách nhiệm thuộc về ai, mà chúng ta nên nói về "bài học xương máu" và việc rút kinh nghiệm.

"Từ câu chuyện của NSRP, chúng ta cần rút ra kinh nghiệm trong việc ký kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài, đặc biệt trong những lĩnh vực mang tính chất quan trọng như vấn đề an ninh năng lượng. Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được triển khai cần tránh đi vào vết xe đổ của NSRP", ông Long lưu ý.

Giải pháp đối phó với “cơn bão xăng dầu”

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay nguồn cung ứng trong nước khoảng 70%, chỉ có 30% là của nước ngoài. Nhìn vào những biến động của thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua, có thể rút ra bài học, trong quá trình kinh doanh những sản phẩm có diễn biến phức tạp và khó lường về giá thì chúng ta phải có cơ chế bảo hiểm giá.

"Các doanh nghiệp nên chủ động dùng bảo hiểm giá để ứng phó với những biến động khó lường trong thời gian tới. Bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp quốc tế. Cơ chế bảo hiểm giá phải giữ vững công cụ hợp đồng hàng hóa phái sinh. Chúng ta cần học hỏi những công cụ mà thế giới đã áp dụng thành công hàng chục năm qua. Cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu sẽ tránh được những cú sốc về giá và nên đưa chi phí này vào kết cấu hình thành giá cơ sở.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đã sử dụng bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65-70 USD/thùng. Nghĩa là dù giá dầu tăng đến 100 USD hay thậm chí 150 USD/thùng, giá đầu vào của các doanh nghiệp này sẽ vẫn ở mức 65-70 USD/thùng, theo giá khớp trên sở giao dịch. Với mức giá hiện nay, các doanh nghiệp này đã tiết kiệm được 40%-50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá. Điều này khiến doanh nghiệp duy trì được mức lợi nhuận, bất kể việc giá dầu lên hay xuống.

Doanh nghiệp không có bảo hiểm giá là một sự lãng phí. Bảo hiểm giá vừa tốn ít chi phí, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ động được giá đầu vào, giúp thị trường xăng dầu trong nước vận hành một cách ổn định và hiệu quả. Đây là những nghiệp vụ chuyên sâu, nếu chúng ta làm từ trước thì không xảy ra những sự việc như ngày hôm nay. Nhưng đáng tiếc, các vấn đề liên quan đến xăng dầu chúng ta đã không làm một cách chặt chẽ nên đã bị thua lỗ rất lớn", vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Nghịch lý tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Chuyên gia nói thẳng - Ảnh 2
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Không thể phụ nhận lợi ích của bảo hiểm giá trong kinh doanh, thế nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp dùng bảo hiểm giá. Theo PGS.TS Ngô Trí Long nguyên nhân là do năng lực chuyên môn của cán bộ phân tích thị trường còn hạn chế, dẫn đến việc mặc dù doanh nghiệp đã mua bảo hiểm giá nhưng vẫn thua lỗ.

"Hiện nay pháp luật Việt Nam cho phép thương nhân đầu mối được sử dụng hợp đồng phái sinh theo thông điệp Quốc tế. Một vài doanh nghiệp của chúng ta đã mua bảo hiểm giá song vẫn thua lỗ. Nguyên nhân là do dự báo giá trong tương lai không đúng, một số phương pháp hạch toán chưa hoàn chỉnh để làm được điều này đòi hỏi phải có nghiệp vụ phân tích và dự báo thị trường một cách chính xác, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực để làm việc này", PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Ngày 28/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV).

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.

Hoàng Hải - Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Chuyên gia nói thẳng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới