Thứ ba, 19/03/2024 11:36 (GMT+7)
Thứ ba, 21/03/2023 16:42 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó không phải do ngân hàng

Theo dõi KTMT trên

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 12/2022, tổng hạn mức tín dụng 27 ngân hàng thương mại cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn còn hơn 96.000 tỷ đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn không phải là ngân hàng.

Sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Bình có văn bản kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến chính sách tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu.

Cụ thể, cử tri đề nghị NHNN có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, góp phần đảm bảo dự trữ xăng dầu, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết hạn mức

Trả lời kiến nghị này, NHNN cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng.

"Đặc biệt từ tháng 3/2022, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu", NHNN cho biết.

Cơ quan này khẳng định các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu với lãi suất ưu đãi và cung cấp đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này.

Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó không phải do ngân hàng - Ảnh 1
Tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu không phải do ngân hàng.

Dẫn số liệu của 27 ngân hàng thương mại, đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng (khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp).

Mức lãi suất cấp cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thường có ưu đãi so với thị trường, mức cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 9,4-10,5%/năm và lãi suất cho vay bằng ngoại tệ dao động 2,1-4,5%/năm.

"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của diễn biến bất thường từ thị trường xăng dầu thế giới, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng", NHNN nhìn nhận.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết các doanh nghiệp xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp... chứ không phải do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.

Tình trạng dừng bán diễn ra tại nhiều cây xăng

Năm 2022, tình trạng dừng bán hàng ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, càng lỗ.

Tháng 10/2022, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.

"Room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp", ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp xăng dầu đang rất cần nới trần vay, ưu đãi về lãi suất, chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản mới có thể duy trì được hoạt động.

Bộ Công Thương cũng đã lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại bơm tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.

Trong đó, ông lớn Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng trên 6.000 tỷ đồng doanh nghiệp đang vay từ các ngân hàng này để nhập khẩu xăng dầu (Vietcombank 2.500 tỷ, BIDV 2.500 tỷ và VietinBank 1.000 tỷ đồng).

Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, VietinBank bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.

Đặc biệt, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất 6 ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở LC với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó không phải do ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.