Thứ sáu, 22/11/2024 04:36 (GMT+7)
Thứ tư, 15/03/2023 14:37 (GMT+7)

Luật Giá (sửa đổi): Nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu bởi cho rằng Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Sáng 15/3, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác khau về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Sau khi chỉnh lý, tiếp thu, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan thẩm tra) cho biết một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau là về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Trình bày báo cáo một số vấn đề và nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu bởi  Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.

Nhóm ý kiến này cũng cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Luật Giá (sửa đổi): Nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi, đây là Quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập Quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. 

"Tiếp thu ý kiến đa số đa số đại biểu, trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường" - Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Quỹ chưa đảm bảo đúng mục đích

Nêu ý kiến về việc dự luật dành một điều quy định về Quỹ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên nghiên cứu quy định các biện pháp bình ổn giá, chứ không chỉ là Quỹ bình ổn giá ở điều này.

Lý do, các biện pháp bình ổn giá vừa phải theo quy luật thị trường, nhưng phải có định hướng quản lý của Nhà nước để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiêp và người dân.

"Quỹ bình ổn chỉ là một giải pháp", ông Huệ nói và bày tỏ đồng ý để Quỹ vì là một công cụ bình ổn. Còn việc làm sao để công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý.

Luật Giá (sửa đổi): Nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua, đánh giá về hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều đại biểu cho rằng chưa bảo đảm đúng mục đích sinh ra Quỹ là để thu vào khi giá xuống, chi ra khi giá tăng cao để giữ sự điều chỉnh không tăng quá nhanh, ảnh hưởng đến mặt hàng khác. “Chúng tôi có bảng theo dõi, ngày 21/6/2022 khi giá cao đỉnh điểm nhưng khi đó không có sự tác động gì của Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo giá xuống” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh dẫn chứng.

Ông cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng có 2 luồng ý kiến, đây là vấn đề hết sức trăn trở. Nhấn mạnh quan điểm cá nhân là nên giữ lại nhưng ông cho rằng phải khắc phục những khiếm khuyết tồn tại của việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua và cần có đánh giá tác động riêng về vấn đề này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật Giá (sửa đổi); đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến góp ý tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội vào một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì là một loại Quỹ bình ổn giá nên phải tuân thủ nguyên tắc của Quỹ bình ổn giá, điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, thực sự có tác dụng trong bình ổn giá xăng dầu; trường hợp không thuyết phục cần phải xem xét phương án không duy trì Quỹ.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Luật Giá (sửa đổi): Nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.