Năng suất chất lượng quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế
Chương trình Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, năng suất là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Vai trò của năng suất ngày càng được khẳng định, đặc biệt là khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, để thay đổi lại và thích nghi trong bối cảnh mới đó là áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả có sức cạnh tranh là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng trong phát triển kinh tế xã hội. Và để triển khai hiện thực hóa chủ trương này của Đảng, thì Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình để nâng cao năng lực, cải tiến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết định 712 của Chính phủ về nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu này.
Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đúng thời điểm doanh nghiệp Việt Nam cần một động lực để chuyển đổi từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung vào vốn và sử dụng lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách thức quản lý hiệu quả hơn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Chương trình năng suất chất lượng được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện chương trình. Hoạt động chương trình trong 10 năm qua luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ, và đa số nhiệm vụ đề ra đều được yêu cầu.
Hoạt động chính và điểm nhấn của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng thông qua các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ từ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ đến siêu nhỏ. Từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đến doanh nghiệp tổ chức, hợp tác sản xuất nông nghiệp, kể cả các làng nghề.
Các hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, triển khai và áp dụng tại Việt Nam ở trong các doanh nghiệp đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp khu vực và trên thế giới. Việc triển khai chương trình luôn gắn liền với thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của chương trình lồng ghép với các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội khoa học công nghệ khác đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập quốc tế sâu rộng, của bùng nổ về khoa học công nghệ với cuộc cách mạng lần thứ 4, quá trình số hóa, xu hướng kết hợp thực-ảo, sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, đã và đang mang đến sự thay đổi vượt bậc về nâng suất.
Nhấn mạnh tầm trọng của phát triển năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp nối và phát triển hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thì ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322 phê duyệt chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Tại Hội nghị này, bên cạnh việc tổng kết đánh giá các kết quả, hiệu quả của chương trình giai đoạn cho đến năm 2020, chúng ta sẽ cũng trao đổi thảo luận, bàn biện pháp triển khai chương trình trong giai doạn tới.
“Chúng tôi mong rằng chương trình trong giai đoạn tới sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tới cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, từ các doanh nghiệp tiên phong chi phối nền kinh tế đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Yếu tố nâng cao năng suất chất lượng sẽ được nhìn nhận ở các khía cạnh cơ hội khác nhau. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng của chương trình”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình 712 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành về cơ bản. Một số chỉ tiêu đã vượt yêu cầu đặt ra. Về những kết quả nổi bật, qua Chương trình đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với khoảng 13.000 TCVN (đạt tỉ lệ 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 QCVN do các Bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đã bước đầu được hình thành, phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên.
Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên, giảng viên một số trường Đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của hoạt động này. Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia... đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Đây là kết quả rất quan trọng vì Quan điểm chủ đạo của Chương trình là “Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Hồng Vân