Thứ sáu, 22/11/2024 16:29 (GMT+7)
Thứ tư, 10/03/2021 13:49 (GMT+7)

Năng lượng sạch những chuyển dịch tích cực

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng là nhu cầu thiết yếu và cấp bách cho mọi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ nguồn nguyên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) sẽ cũng đến lúc cạn kiệt.

Tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo

Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và đã cam kết tự nguyện cắt giảm tối thiểu 8% khí nhà kính (KNK) vào năm 2030 tại COP21 (Paris, 2015). Chính vì vậy, việc chuyển dịch khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: mặt trời, gió, thủy triểu, năng lượng sinh khối…, tìm các nguồn nguyên liệu khác là bước đi đúng đắn. Ưu việt của NLTT đó là các nguồn năng lượng sạch, không gây phát thải KNK và nước ta có nguồn tài nguyên NLTT rất lớn, có ở mọi nơi, mọi địa phương. Về thủy điện có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 26.000 MW, có thể cung cấp khoảng 100 tỉ kWh/năm và đến nay đã khai thác gần hết.

Năng lượng sạch những chuyển dịch tích cực - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo dữ liệu nghiên cứu, nước ta có số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230 - 250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời. Tiềm năng phát triển điện mặt trời (ĐMT) vào khoảng 431 GW (trong đó ĐMT mặt đất là 310 GW ; ĐMT trên mặt nước là 77 GW và 44 GW ĐMT mái nhà).

Hiện nay, ở Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000 MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%.

Tính đến hết ngày 31/12/2020 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có hơn 100.000 công trình ĐMT mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMT mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Đáng chú ý, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là ĐMTMN), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh (trong đó riêng ĐMT mái nhà là 1,16 tỉ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Nếu so sánh với cơ cấu công suất nguồn điện năm 2019 cho thấy công suất điện mặt trời tăng vượt bậc (hơn gấp 3 lần tổng công suất ĐMT tính đến năm 2019) chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 4 đến tháng 12/2020)

Đối với điện gió, nước ta được thiên nhiên ưu đãi với đường biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các đảo. Điện gió trên đất liền, ở độ cao 65 m, tiềm năng khoảng 110 GW và ngoài khơi là 260 GW.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng sinh khối bao gồm gỗ, phế thải – phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị và các chất thải hữu cơ khác… Việc tận dụng những nguyên liệu này để phát triển năng lượng, cũng đang được nước ta quan tâm. Bởi lẽ, vừa tận dụng sẵn được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa giải được bài toán xử lý rác thải hiện nay. Hiện tại, nước ta đang phát triển những nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện ở các địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…

Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần hướng đến. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Chính sách bắt kịp xu thế phát triển năng lượng

Tuy nhiên để đạt được hiệu quả trong việc phát triển và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, thì cần có cơ chế, chính sách phù hợp. Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư của xã hội vào ngành năng lượng. Cụ thể là cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 39/2018/QĐ - TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Quyết định số 24/2014/QĐ -TTg, ngày 24 tháng 03 năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối và Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, năm 2020 sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối. Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. Về cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời ở nước ta có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, với mục tiêu cụ thể đưa tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì vào tháng 8/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới là 1 trong 6 ngành kinh tế biển đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, đây là vấn đề then chốt trong mọi hoạt động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và được Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thời gian qua, Bộ TN&MT trực tiếp là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản, như Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Năng lượng sạch những chuyển dịch tích cực - Ảnh 2
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững tổ chức cuối tháng 12/2020, TS. Nguyễn Đức Hiển (Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) đánh giá, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; Các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, phát triển thị trường điện; Xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nhiều mối đe dọa đến an ninh năng lượng chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; Sản lượng dầu khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn.

Hà Điệp

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng sạch những chuyển dịch tích cực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới