Hà Nội phấn đấu tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 1% trong 5 năm tới
Ngày 1/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 có 3 mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là phát triển năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện của thành phố, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Thứ hai là ưu tiên phát điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội.
Thứ ba là tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải sinh hoạt và chất thải rắn, khuyến khích đầu tư phát triển điện sinh khối đồng phát.
UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp của thành phố sẽ đạt khoảng 1%. Trong đó, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 100 MWp và điện rác khoảng 150 MW.
Để đạt mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà tăng thêm khoảng 15 MWp (bình quân 0,5 MWp/quận, huyện, thị xã) và phát triển nguồn năng lượng tái tạo (từ điện rác) khoảng 75 MW trong năm 2021, UBND thành phố triển khai thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, song song giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu rõ lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác, điện mặt trời, thành phố sẽ tập trung lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
UBND thành phố cũng sẽ nghiên cứu ban hành, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan, ban, ngành, UBND các cấp, trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Về khoa học và công nghệ, UBND thành phố sẽ lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; bộ biến tần Inverter bảo đảm chất lượng điện năng nối lưới), có kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng.
Song song với đó, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất ban hành và áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời; nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn.
Thông qua các giải pháp trên, thành phố sẽ ban hành, áp dụng bộ cơ chế đặc thù của thành phố nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thành phố cũng sẽ triển khai các chương trình, dự án tài trợ thí điểm về đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật; thí điểm lắp đặt mô hình điện mặt trời mặt nước tại hồ Đồng Quan thuộc xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn); nghiên cứu, đánh giá tiềm năng điện mặt trời mái nhà và tác động đối với lưới điện phân phối; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng gió, thủy điện, điện sinh khối trên địa bàn thành phố; xây dựng, triển khai thực hiện đề án khuyến khích các hộ dân, nhà trường trên địa bàn thành phố tăng cường đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Năm 2021, dự báo tiêu thụ điện sẽ tăng trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Đáng chú ý, các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió sẽ thiết lập kỷ lục mới về công suất nhờ thời hạn đóng điện để hưởng cơ chế giá điện cố định (FiT). Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện sẽ hồi phục và tăng trưởng với tốc độ 8 - 10% trong năm 2021. Điều này xuất phát từ việc các tổ chức nghiên cứu đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi tích cực trong năm 2021.
Việc xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù Thủ đô, tiến tới tự chủ một phần về nguồn cung ứng điện trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện rác cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn. Năng lượng tái tạo đóng góp vào nguồn cung điện của thành phố chủ yếu từ điện mặt trời và điện rác khi các mô hình này phổ biến từ năm 2025.
Thanh Thúy