Năng lượng nào thay thế các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt?
Cùng với sự phát triển vũ bão của sức sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên của nhân loại ngày càng cạn kiệt.
Theo nhiều nghiên cứu, những loại tài nguyên chủ yếu trữ lượng không nhiều, trong vòng mấy trăm năm nữa sẽ bị khai thác hết. Ví dụ tuổi thọ của mỏ sắt không đầy 200 năm, trữ lượng về than đá chỉ khoảng 200 năm, trữ lượng dầu mỏ không đầy 30 năm. Những tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh được như đất đai, động vật, thực vật, vi sinh vật, rừng, thảo nguyên, sinh vật thủy sinh, v.v... do loài người chặt phá và săn bắt không hạn chế nên nhiều chủng loài bị tiêu diệt, khiến cho chúng không thể tái sinh được nữa.
Bi thảm hơn là những tài nguyên vốn được xem là vô hạn như không khí và nước, do con người gây ô nhiễm nên ngày nay cũng đã xuất hiện nguy cơ bị thiếu. Cho nên từ góc độ vĩ mô mà xét, các loại tài nguyên thiên nhiên hầu như đều rơi vào tình trạng bi quan “bị khai thác cạn, dùng kiệt”.
Theo một nghiên cứu, đến năm 2023, loài người sẽ cần một lượng tài nguyên gấp 3 lần mức cung cấp tối đa của trái đất hiện nay mới đủ tiêu dùng. Nói một cách hình ảnh, phải cần thêm… 3 Trái đất nữa cho các nhu cầu của con người.
Kinh tế ngày càng phát triển làm người ta có điều kiện hưởng thụ nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa là lượng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cũng tăng lên.
Theo thống kê, tính đến năm 2010, trung bình mỗi công dân trên hành tinh đã tiêu thụ một lượng tài nguyên gấp 1,25 lần so với mức cần thiết. Riêng với người Phần Lan, tỉ lệ này là một con số cực cao: 4 lần.
Đơn cử như, để sản xuất ra một lít sữa phải mất tới 140 lít nước. Một bánh hamburger cần 2.385 lít nước còn 1kg thịt bò mất 22.000 lít nước. Cứ với đà này, thảm họa về sinh thái chắc chắn sẽ sớm xảy ra, và cái giá mà loài người phải trả sẽ không hề rẻ chút nào, một khi vượt qua điểm không thể trở lại.
Thật đáng quan ngại là dường như Trái đất đang tiến ngày càng gần hơn đến giờ G này. Lượng khí thải công nghiệp xả vào bầu khí quyển không ngừng tăng trong nhiều thập kỷ qua, bất chấp mọi lời kêu gọi cắt giảm. Mức độ cho phép tối đa của khí carbon dioxide trong khí quyển là 450ppm (phần triệu).
Một thế kỷ trước, thông số này mới ở mức 280 ppm, còn bây giờ nó đang là 380 ppm. Những thảm họa tự nhiên như lũ lụt, hạn hán, mưa lớn và các thiên tai khác chính là sự báo động rõ nét nhất của thiên nhiên gửi tới con người.
Theo sau đó là nạn đói. Hàng tỉ người trên trái đất đang lâm vào tình trạng thiếu ăn đến đói ăn. Đến năm 2023, con người sẽ phải đối mặt với việc không còn đất đai màu mỡ và nước để canh tác nông nghiệp nữa. Cuộc sống của nhân loại khi đó sẽ thay đổi hoàn toàn, hoặc sẽ bị hủy diệt.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng trên thế giới.
Tuy nhiên, do quản lí thiếu đồng bộ, công nghệ khai thác lạc hậu, nhất là việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lí… đang là những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia, tài nguyên bị suy thoái, cạn kiệt, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Tài nguyên rừng đang bị thu hẹp theo từng ngày, diện tích rừng tự nhiên che phủ giảm dần do khai thác trái phép, đất rừng bị chuyển qua đất nông công nghiệp.
Các loài sinh vật quí hiếm thì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao (Theo thống kê thì ở Việt Nam có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng).
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên nước của chúng ta và theo dự báo đến năm 2025, 2/3 người trên thế giới có thể sẽ phải sống trong những vùng thiếu nước trầm trọng.
Tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt sau việc khai thác quá mức và sử dụng lãng phí.
Tài nguyên đất thì cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như đất nông nghiệp đang bị chuyển dần qua đất phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ, đất bị nhiễm mặn, bị sa mạc hóa ngày một tăng…
Với tốc độ nhu cầu tiêu thụ tăng như vậy thì chắc chắn các nguồn năng lượng truyền thống sẽ dần cạn kiệt. Theo PGS.TS Bùi Huy Phùng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nguồn năng lượng như thủy năng đã cạn, dầu mỏ và khí đốt chỉ còn sử dụng khoảng 50 năm, nguồn than trữ lượng khả quan hơn với khoảng 1000 tỉ tấn – có thể sử dụng trên 100 năm. Nói chung đều có hữu hạn.
Trước tình hình trên, việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng là việc cần thiết, mang tính chiến lược. PGS.TS Bùi Huy Phùng nhận định: “Với mức tiêu thụ năng lượng còn khá khiêm tốn, Việt Nam đã thể hiện thiếu nguồn: Thủy điện đã cạn, thủy điện tích năng mới khởi công mà phải có “nguồn rỗi” mới tích năng được; than, dầu khí không nhiều, những năm gần đây đã phải nhập hàng chục triệu tấn than, dầu… do đó, yêu cầu bổ sung và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng là cần thiết, khách quan”.
Và theo ông, năng lượng tái tạo và hạt nhân là tiềm năng vô tận. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sử dụng nguồn năng lượng nào phụ thuộc vào tình hình tài chính quốc gia và thế mạnh của nguồn năng lượng.
Với điều kiện kiện nguồn năng lượng của Việt Nam, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, năng lượng tái tạo trong đó đặc biệt là điện mặt trời và điện gió được đánh giá tiềm năng là dồi dào.
Nhật Hạ