Năng lượng mặt trời khó khai thác do biến đổi khí hậu?
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy hiệu năng trung bình của những tấm pin mặt trời sẽ giảm khoảng 0,45% mỗi khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1 độ K. Đặc biệt, những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng dễ khiến tấm pin năng lượng mặt trời nhanh hỏng.
Điện mặt trời vẫn luôn được coi là một nguồn năng lượng tái tạo hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, có vẻ như biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến việc tận dụng các nguồn năng lượng thay thế trở nên khó khăn hơn, hai nhà nghiên cứu Ian Peters và Tonio Buonassisi tại MIT đã công bố rằng: những tấm pin mặt trời sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn khi nhiệt độ của Trái Đất tăng lên.
Về cơ bản, một trong những yếu tố tác động đến hiệu suất của những tấm pin mặt trời chính là nhiệt độ, tuy nhiên kết quả cụ thể ra sao thì vẫn chưa ai biết rõ - cho đến khi nghiên cứu của Ian Peters và Tonio Buonassisi được thực hiện. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hiệu năng trung bình của những tấm pin mặt trời sẽ giảm khoảng 0,45% mỗi khi nhiệt độ Trái Đấttăng thêm 1 độ K.
"Khi mà nhiệt độ trên Trái Đất tăng lên, lượng điện năng cung cấp cho cuộc sống hàng ngày sẽ lại càng bị giảm đi. Trong đó, những khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc này là Nam Mỹ, Nam Phi và Trung Á".
Các nhà khoa học cũng đang tìm cách khắc phục vấn đề này bằng việc nghiên cứu và cải tiến những tấm pin mặt trời, sử dụng những phương pháp mới cũng như các loại vật liệu mới để giúp tăng hiệu suất tạo ra điện năng từ ánh sáng hơn. Mới đây thôi, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ chấm lượng tử vào những tấm pin mặt trời, cho phép chúng tạo ra điện năng ngay cả khi trời nhiều mây hay có mưa.
Cách tốt nhất mà con người có thể làm vẫn là giảm bớt lượng phát thải, qua đó giữ cho tốc độ nóng lên của Trái Đất giảm xuống - bởi việc Trái Đấtnóng lên còn gây ra rất nhiều hậu quả xấu khác đối với sự sống của loài người.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng gây tác động xấu đến tấm pin năng lượng mặt trời. Ở Việt Nam, mưa đá là hiện tượng thời tiết khó lường và gây thiệt hại lớn cho người và của, do những viên đá cứng cùng tốc độ rơi dao động từ 30m/s đến 60m/s nên khi tiếp xúc với bất kì đồ vật nào trên mặt đất đều có thể gây ra thiệt hại. Hiện tượng này xảy ra bởi sự tiếp xúc giữa luồng khí nóng và lạnh trong thời gian khí hậu nóng.
Thực tế, theo thống kê từ các nhà máy năng lượng mặt trời hầu hết các tấm pin cần bảo trì không bị hư hại do mưa đá. Các tấm pin đã được sản xuất với công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn như trên có thể không gặp ảnh hưởng gì về vật lý. Tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận lần mưa đá gây nhiều thiệt hại nhất là tại Tuyên Quang năm 2016 – viên đá lớn nhất có đường kính là 8cm, do đó cũng hiếm có hiện tượng này xảy ra tại Việt Nam.
Điều kiện thời tiết của Việt Nam không quá khắc nghiệt nhưng cũng có nhiều hiện tượng thời tiết xấu. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa và phân chia 3 miền Bắc – Trung – Nam, mỗi khu vực lại sở hữu một đặc trưng khí hậu khác nhau. Thông thường, mưa bão sẽ xuất hiện tại miền Bắc vào tháng 7 đến tháng 10, miền Trung từ tháng 9 đến tháng 12 và miền Nam từ tháng 10 đến tháng 12.
Trong thời gian mưa bão, rất có thể sẽ xảy ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão cấp, mưa đá, gió giật mạnh, gây ảnh hưởng đến ngay cả những ngôi nhà của người dân. Đồng thời, giờ nắng của miền Bắc (khoảng 5 giờ nắng/ ngày) thấp hơn so với miền Trung và miền Nam (khoảng 8 giờ nắng/ ngày).
Nguyễn Linh (T/h)